Tản mạn về những chiếc bánh cưới ngọt ngào

Tản mạn về những chiếc bánh cưới ngọt ngào
Photo by David Holifield / Unsplash

Tiệc cưới ở Việt Nam không thể thiếu bánh cốm, bánh xu xê thì tiệc cưới phương Tây không thể thiếu chiếc bánh kem trắng muốt. Bánh cưới đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu của ngày vu quy, ẩn chứa niềm ước mơ và hy vọng về cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.

Lịch sử ngàn năm của bánh cưới

Những chiếc bánh cưới đầu tiên xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, được làm từ bột mì hoặc lúa mạch, được bẻ vỡ trên đầu cô dâu để mang lại may mắn cho cặp vợ chồng. Trong thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, nó được gọi là “bánh của cô dâu” và là món mặn chứ không phải món ngọt. Nhân của nó được làm từ hàu, tinh hoàn cừu, hạt thông và mào gà trống. Thậm chí trong một ngăn bánh cô dâu còn chứa đầy chim bồ câu hoặc rắn sống, để mang đến bất ngờ cho các vị khách. Theo truyền thống, một chiếc nhẫn thủy tinh sẽ được đặt giữa bánh cô dâu và cô gái nào tìm thấy nó sẽ là người tiếp theo kết hôn.

Vào thế kỷ 17, trong tiệc cưới sẽ phục vụ hai loại bánh: bánh cô dâu và bánh chú rể. Bánh chú rể thường có màu sậm, vị trái cây và nhỏ hơn nhiều bánh cô dâu. Bánh cô dâu thường là một chiếc bánh tròn đơn giản với lớp kem trắng phủ ngoài tượng trưng cho trinh tiết và sự trong sạch. Dần dần, bánh chú rể biến mất, bánh cô dâu trở thành chiếc bánh cưới ngọt ngào mà ta thấy ngày nay.

Chiếc bánh cưới hiện đại

Chiếc bánh cưới hiện đại mà chúng ta biết ngày nay bắt nguồn từ đám cưới năm 1882 của hoàng tử Leopold, công tước xứ Albany. Chiếc bánh cưới của ngài là chiếc đầu tiên ăn được hoàn toàn. Bánh được chia thành nhiều lớp riêng biệt với phần kem phủ rất dày. Khi lớp kem cứng lại, các tầng bánh có thể xếp chồng lên nhau dễ dàng – một cải tiến đột phá thời ấy và vẫn được áp dụng đến bây giờ. Bánh cưới hiện đại chủ yếu là bánh ngọt được làm từ kem trứng, bơ, chocolate, hạnh nhân, kẹo mềm, bơ…Bánh có nhiều hình dạng, trang trí khác nhau bên cạnh bánh cưới trắng truyền thống.  Thông thường sau khi cô dâu chú rể cắt bánh, bánh sẽ được trưng bày và phục vụ cho khách tại quầy lễ tân. Tại các nước phương tây, bánh cưới đã trở thành một biểu tượng văn hóa đương đại. Tại Mỹ những show truyền hình thực tế như Cake Boss và Amazing Wedding Cakes rất được yêu mến và thu hút nhiều người xem.

Lời chúc phúc ngọt ngào

Ý nghĩa nguyên thủy của chiếc bánh cưới là mang đến may mắn cho tất cả khách mời và cặp đôi. Nghi thức cắt bánh do cô dâu chú rể thực hiện có ý nghĩa như một lời tuyên bố hứa hẹn sẽ cùng nhau gánh vác và chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong suốt chặng đường sau này. Tay chú rể đặt lên tay cô dâu tượng trưng cho sự ủng hộ và che chở cho người vợ tương lai.

Ở Trung Quốc, các cặp đôi thường cắt chiếc bánh nhiều tầng từ tầng dưới cùng và đưa miếng bánh đầu tiên cho cha mẹ như một cách để tôn vinh vị trí của họ trong gia đình. Ngày nay, nhiều người vẫn tin rằng ăn vụn bánh cưới sẽ mang đến cho họ sự may mắn bởi chiếc bánh cưới là biểu trưng của hạnh phúc và phước lành. Vì ý nghĩa quan trọng như thế, các cặp đôi sắp cưới thường dành nhiều tâm sức và tiền bạc để chọn chiếc bánh cưới hoàn hảo nhất cho ngày trọng đại.

*Bài viết từng đăng trên tạp chí L'Officiel Vietnam, số tháng 11, 2019 với bút danh Lou Lou

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội