Cái bẫy của chủ nghĩa nữ quyền

Tiếp sau sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào #Metoo và Time’s Up, hàng loạt những bộ phim đậm chất nữ quyền được ra mắt khán giả. Tuy nhiên, có lẽ chẳng nên mừng quá, bởi sau những xủng xẻng đầy chất trình diễn, không nhiều điều thực chất đọng lại.
Sức mạnh của “Làn sóng hồng”
Không thể phủ nhận, ngày càng có nhiều nữ anh hùng – đặc biệt trong những bộ phim do chính phụ nữ viết kịch bản và làm đạo diễn. Wonder Woman – nữ chiến binh xinh đẹp nhà DC - đã thu hoạch được hơn 800 triệu USD toàn cầu và cơn mưa khen tặng từ giới phê bình. Bóng hồng đứng sau thành công của phim là đạo diễn Patty Jenkins – người sẽ tiếp tục với phần 2 – Wonder Woman 1984 sẽ ra mắt khán giả vào nửa đầu năm nay.

Birds of Prey – bộ phim chứng kiến sự tung hoành của Harley Quinn và đồng bọn – là câu chuyện được viết bởi một người phụ nữ (Christina Hodson), do một người phụ nữ khác đạo diễn (Cathy Yan). Phim kể về một nhóm phụ nữ đi tìm sức mạnh bản thân trong một thế giới điên rồ. Kể từ khi tung trailer đến khi ra mắt, phim rất được lòng khán giả, đặc biệt là hội chị em.

Oscar mấy năm gần đây có sự góp mặt của Greta Gerwig: năm 2018 với 5 đề cử cho Lady Bird và năm 2020 với 6 đề cử cho Little Women. Trong cả hai phim, cô đều là biên kịch kiêm đạo diễn và đều kể câu chuyện về những phụ nữ mạnh mẽ trong hành trình trưởng thành. Tất nhiên, nhắc đến các đạo diễn nữ cũng không thể quên cái tên Sofia Coppola – người đã giành giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes 2017. Xem cái cách những người đàn bà trong The Beguiled - bộ phim mới nhất của Sofia - tranh nhau một gã đàn ông trong phim, người xem không khỏi bật cười xen lẫn ái ngại . Gã đàn ông tưởng dắt mũi được đám phụ nữ trong phim, thực ra lại mới chính là một con mồi trong trò chơi mèo vờn chuột.

Tuy nhiên tất cả mới chỉ là bề mặt, phụ nữ được trao quyền nhiều hơn nhưng sự ghi nhận thành quả vẫn rất khiêm tốn. Xét riêng giải thưởng của Hàn Lâm Viện, cho đến nay mới chỉ có duy nhất một người phụ nữ từng giành giải Đạo diễn xuất sắc. Đó là Kathryn Bigelow của The Hurt Locker – một bộ phim đã ra rạp cách đây 12 năm. Đó là chưa kể cứ một phim tốt truyền đạt thông điệp nữ quyền, thì lại đi kèm cùng cả tá phim dở, không chỉ khiến đàn ông mà chính phụ nữ cũng phải nhăn mặt.
Tại sao nữ quyền gây phản cảm?
Một trong những cách diễn giải “nữ quyền” một cách thô sơ và phản cảm nhất là biến phụ nữ thành đàn ông, trong đó phụ nữ sở hữu sức mạnh vô song, còn đàn ông chỉ là những con rối yếu đuối. Nhưng có vẻ Hollywood đang phạm sai lầm đó một cách…rất bài bản.

Lấy đơn cử như Captain Marvel (2019): nhân vật chính là một người phụ nữ có quyền năng bất khả xâm phạm, không điểm yếu, có thể đè bẹp đối phương trong chớp mắt. Nhân vật do Brie Larson thủ vai đã bước vào cuộc đời với thái độ đối kháng, coi đàn ông là đối tượng hơn thua. Đó là một nhân vật không có chiều sâu tính cách, không biết thương xót, không có sự phức tạp cảm xúc (cảm xúc duy nhất mà cô có là sự giận dữ). Phim cũng hạ thấp đàn ông khi so sánh sự nguy hiểm của đàn ông không bằng con mèo.
Trước đó trong The Last Jedi (bộ phim thuộc franchise Star Wars), khán giả cũng để ý thấy dường như mọi nhân vật nam trong phim hoặc là vụng về, bất tài hoặc đạo đức “nhập nhèm”. Và dường như mọi phụ nữ trong phim đều thông minh, sáng suốt, tốt bụng và can đảm. Các nhà nữ quyền có thể thích điều này nhưng khán giả thì phản ứng lại bẳng cách không mua vé. Biến thế giới thành một cuộc đua giữa đàn ông và đàn bà không phải là một bước đi khôn ngoan của Hollywood.

Khán giả cũng không thích kiểu nữ quyền được phát biểu một cách bô bô và kém duyên. The Hustle, phim về các quý cô lừa đảo, cũng làm khán giả thất vọng bởi sự thiếu tinh tế trong câu chuyện và các chi tiết bôi bác cơ thể phụ nữ để chọc cười. Charlie’s Angels (2019) thua ở phòng vé dù có dàn mĩ nhân nổi tiếng bởi kịch bản nhạt nhẽo, tính cách nhân vật hời hợt. Họ chỉ giỏi dạy đời, chế giễu, hạ bệ những nhân vật nam khác trong phim. Cảm giác gồng mình, gượng gạo với những nhân vật nữ tự đắc, “khó thương” là một điểm yếu chết người trong các phim nữ quyền gần đây.
Những điều quan trọng bị bỏ qua
Có vẻ Hollywood đang diễn giải nữ quyền theo cách biến phụ nữ thành những siêu anh hùng, chiến thắng trong những trận một mất một con. Hoặc giả, phụ nữ trong phim phải là những doanh nhân thành đạt, những vị sếp thét ra lửa, xài hàng hiệu và coi đàn ông là trò chơi. Câu hỏi đặt ra là tại sao những người phụ nữ đặt sự nghiệp lên trước nhất lại được tôn vinh còn những phụ nữ dịu dàng, thích chăm sóc nhà cửa, con cái thì lại không được đánh giá cao bằng? Trong một xã hội thực sự bình đẳng, phụ nữ nên được thoải mái theo đuổi ước mơ, dù cho đó là trở thành một tổng thống, một phi hành gia hay một bà nội trợ.
Trong thế giới thực, phần lớn chúng ta không phải là triệu phú hay có siêu năng lực gì. Quyền của phụ nữ hay bình đẳng giới được diễn dịch ra thành những vấn đề cụ thể như bạo hành gia đình, bình đẳng tài chính hay những rào cản trong học tập và nghề nghiệp. “Kẻ xấu” đôi khi không phải là một đối tượng cụ thể nào mà chính là lề thói/ dư luận hoặc pháp luật vẫn có nhiều bất công đối với phụ nữ. Đó là những vấn đề rất thực tế như phụ nữ thường “được” trao hết nhiệm vụ chăm sóc con cái và nhà cửa dù vẫn phải đi làm 8 tiếng. Hoặc đó là chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc, sự hạn chế về cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao so với nam giới. Những vấn đề thực tế này có lẽ chưa đủ độ “bóng bẩy” để Hollywood tập trung khai thác.
Nữ quyền đang là một trend hot, được hashtag liên tục trên mạng xã hội và được “lợi dụng” như một chiêu bài để bán vé, thu hút khán giả. Nhưng mọi thứ sẽ chỉ hời hợt bên ngoài nếu Hollywood không chịu thay đổi cách tiếp cận vấn đề của mình.
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 3/2020 với bút danh Anh Trâm.