Đạo diễn Song Lang: "Tôi là người rất nhẫn tâm"

Đạo diễn Song Lang: "Tôi là người rất nhẫn tâm"
Đạo diễn Leon Quang Lê: "Tôi là một con người khá nhẫn tâm khi cần thiết và ít khi tiếc nuối".

Bộ phim đầu tay của Leon Quang Lê đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt năm 2018. Phim được giới chuyên môn đánh giá rất cao và được nhiều khán giả yêu mến. Thậm chí, khi phim có nguy cơ phải rời rạp sớm, các nghệ sĩ và người hâm mộ đã tổ chức một cuộc kêu gọi “Cho Song Lang thêm một tuần nữa” với kết quả rất tích cực. Nhân dịp này, L’Officiel có cuộc trò chuyện với đạo diễn Leon Quang Lê.

Tôi gặp Leon Quang Lê ở quán trà nhỏ của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Chị Điệp đã tổ chức buổi giao lưu giữa đoàn làm phim Song Lang và khán giả thủ đô. Bất chấp trời mưa, mọi người kéo đến rất đông, căn phòng chật kín, gần như không có chỗ đặt chân và rất nhiều người phải đứng ngoài. Khán giả Hà Nội khá cuồng nhiệt và đặt cho Leon nhiều câu hỏi.

Vì thế, khi buổi phỏng vấn giữa tôi và Leon bắt đầu trời đã rất khuya. Leon thấm mệt nhưng vẫn tỉnh táo, tâm trạng tốt, khá phấn khích. Bên ngoài, anh nhìn trẻ hơn tuổi thật, quyến rũ và phóng khoáng. Leon rất thông minh, hài hước, thậm chí có chút gì đó hơi “ngoa ngoắt”, “đanh đá”. Anh kĩ tính, cầu toàn, cương quyết, biết mình muốn gì.

Trò chuyện với anh rất thú vị!

TÔI ĐÃ GÕ CỬA HẾT VÀ BỊ TỪ CHỐI HẾT

Trước khi kịch bản Song Lang đến với Ngô Thanh Vân, anh đã gõ cửa bao nhiêu nhà sản xuất và bị từ chối bao nhiêu lần? Tại sao Ngô Thanh Vân lại là phương án cuối cùng?

Tôi đã gõ cửa hết và bị từ chối hết. Có thời điểm tôi tưởng đã hợp tác được với một hãng rồi nhưng sau đó, sự lại không thành khiến tôi hụt hẫng vô cùng. Ngô Thanh Vân trước giờ chuyên làm phim bom tấn, thị trường. Còn tôi thì biết chắc chắn rằng Song Lang không hy vọng có lời. Coi như mình bảo vệ trái tim mình, biết không có kết quả tốt đẹp thì thôi khỏi hỏi cho đỡ mất công. Tuy nhiên, khá bất ngờ, Ngô Thanh Vân đọc kịch bản hai ngày là đồng ý sản xuất. Tôi giao ước Vân sẽ không được nhúng tay vào thay đổi kịch bản và rất may mắn Vân đồng ý.

Đến thời điểm này, phim đã hòa vốn chưa, thưa anh?

Tôi không hề biết doanh thu phim đang ở đoạn nào. Tôi bảo mọi người đừng ai nói cho tôi biết vì có biết cũng không thể làm được gì. Tôi đã làm quá sức có thể để ra sản phẩm tốt và quảng bá đến công chúng. Chẳng lẽ tôi đi chùa lắc sâm cầu may à?

Cải lương thường kể về các tích cổ: anh hùng, mỹ nhân, dũng tướng, đế vương. Song Lang cũng đặt bối cảnh quá khứ. Ngoài đời, anh có phải là người hay hoài niệm những gì đã qua?

Đúng tôi là một người hoài cổ. Tôi luôn ưa thích các khu phố xưa cũ vì nó luôn gợi cho mình sự tò mò, bức tường này, con phố này đã từng xảy ra chuyện gì. Cái gì có lịch sử cũng quyến rũ tôi hơn. Nhưng tôi ít khi nhìn lại quá khứ của mình. Tôi chỉ nhìn tới thôi, chứ không nhìn lại.

Nhân vật Linh Phụng và anh có nhiều điểm giống nhau: cùng mê cải lương và bị cha mẹ phản đối. Nhưng Linh Phụng khác anh ở chỗ, đã theo đuổi cải lương đến cùng và được sống với đam mê. Anh có bao giờ ước mình giống như Linh Phụng?

Thực ra Linh Phụng và Dũng đều có một phần cuộc đời và tính cách của tôi. DNA của tôi có ở cả hai người. Rất nhiều suy nghĩ và hành động của Dũng rất là Leon. Như là không tin ở tôn giáo, cách nói chuyện nhát gừng, khiếu hài hước, dù không nhiều, nhưng khá rõ nét. Cái cương trực của Dũng cũng rất Leon. Linh Phụng là một nửa con người mình trong đó. Tôi đã cho Linh Phụng đạt được giấc mơ thay thế mình. Linh Phụng cũng là cái tên khai sinh của tôi, trước khi bố mẹ nuôi đổi sang tên khác.

Song Lang đã bị rất nhiều nhà sản xuất từ chối trước khi đến với Ngô Thanh Vân.

Phim được bao nhiêu so với kì vọng của anh? Anh có định làm bản Director’s Cut không?

Giờ nhìn lại phim tôi chỉ ước giá mình có nhiều tiền hơn, nhiều thời gian hơn. Hai thứ đó luôn đi song song với nhau. Tôi ước diễn viên có nhiều thời gian tập hơn, quay được nhiều take hơn, chăm chút cảnh quay hơn, kỹ lưỡng quần áo hơn,… Mình mà cập rập thì lúc nào cũng có sai sót. Thực ra tôi vừa mới dựng xong bản Director’s Cut. Nó ngắn hơn một vài phút so với bản chiếu rạp và thay đổi một số tình tiết nhỏ mà tôi nghĩ sẽ có lợi hơn cho phim.

PHẢI CỨNG RẮN NẾU KHÔNG MÌNH SẼ KHỔ

Song Lang là một bộ phim quá đậm dấu ấn Leon. Anh viết kịch bản, tự đạo diễn, tự viết lời các bài bản cải lương và thậm chí cả dựng phim. Ở hoàn cảnh tương tự, nhiều đạo diễn đã chùn tay không nỡ cắt đoạn này đoạn kia của phim vì tiếc công sức, tâm huyết của mình. Kết quả là phim rối rắm, rườm rà. Làm sao anh tránh được cái bẫy này?

Tôi là một con người khá nhẫn tâm khi cần thiết và ít khi tiếc nuối. Tôi làm rớt bể điện thoại, ok lỡ rớt rồi thôi.  Tôi bị mất ví, ok, mất rồi thôi, gọi điện để cancel thẻ. Tôi không dễ bị động vì cái mất, ngay cả mất người thân. Không phải tôi không có trái tim. Rất dễ rung động, xao xuyến mãnh liệt là đằng khác, nhưng không quá ràng buộc. Tôi là người rất tình cảm nhưng lý trí đã tập cho tôi cứng rắn nếu không sẽ khổ vì quá luỵ. Và đến giờ nó trở thành một thói quen. Nên việc cắt bỏ một cái gì chưa bao giờ là vấn đề với tôi cả, nếu điều đó sẽ tốt hơn là làm. Người nào không tốt với mình là cắt. Tình yêu khi đã chia tay là không dây dưa nữa. Người thương yêu mất, cảm nhận sự đau thương xong rồi thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Còn trong làm phim: tiếc cảnh đó hả? Vậy cho vào behind the scenes tha hồ xem lại. Khi phim được dựng xong đều có những buổi chiếu thử trước khán giả và những ngườii trong nghề để lấy feedbacks. Nếu bản dựng của tôi quá sức vô lí thì mọi người đã lên tiếng rồi. Tôi là người rất logic.

Đang làm phim thì bố anh mất. Điều này có ảnh hưởng nhiều đến quá trình làm phim không?

Bố tôi đã bệnh 8 năm rồi nên tôi đã chuẩn bị tinh thần từ lâu. Trong vòng 2 năm về Việt Nam để thực hiện Song Lang, đây là một trong những điều luôn làm tôi canh cánh trong long. Bố tôi mất trong lúc tôi đang gấp rút làm hậu kỳ để phim kịp ra rạp. Tôi chỉ có thời gian về Mỹ một tuần để thọ tang và sau đó phải trở lại để hoàn tất phim. Không thể nói là “cũng may bố mất đúng thời điểm”, nhưng vì mọi việc an bài như thế, nên mẹ tôi cuối cùng mới có thể sắp xếp để về Việt Nam ra mắt bộ phim điện ảnh đầu tay của tôi. Đó là cách nhìn cuộc đời của tôi: ly nước lúc nào cũng đầy chứ không phải vơi đi một nửa.

KINH PHÍ SONG LANG CÒN ÍT HƠN PHIM HÀI NHẢM

Nghe nói trên phim trường anh xung đột nhiều với Isaac? Tại sao vậy? Các anh thường xung đột nhiều nhất về vấn đề gì?

Tin đồn lúc nào cũng đậm đà bay bổng hơn sự thật. Thực chất chúng tôi chỉ có vài xung đột nhỏ, đa số là về việc ca diễn cải lương của Isaac. Thường khi ta không làm được cái gì thì dễ căng thẳng, thậm chí ghét bỏ. Isaac gặp nhiều khó khăn trong việc tập luyện cải lương, và tôi thì không dễ dãi trong việc tập luyện. Tập chưa tới thì tập đến khi nào tới thì thôi. Mệt và khó không thể là câu trả lời. Đây là phong cách làm việc tôi đã quá quen trong môi trường sống của một vũ công. Và công bằng mà nói, những gì Isaac làm được trong 1 tháng học tập là quá tốt. Lẽ dĩ nhiên so sánh một ca sĩ nhạc Pop với thời gian tập luyện ngắn ngủi 1 tháng trời với một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp là một điều ngớ ngẩn. Nhưng tôi không chấp nhận phương án hát, diễn thế. Hát, vũ đạo không hay bằng nghệ sĩ cải lương thực thụ cũng được nhưng phải tự thực hiện. Cái hay là ở chỗ đó. Nghệ thuật đối với tôi là ở chỗ đó. Ngoài những việc đó ra, còn lại tôi vô cùng yêu mến Isaac.

Anh đã rất đắn đo khi chọn Isaac vào vai Linh Phụng. Tại sao vậy?

Trước tôi còn không định gặp Isaac vì nghĩ chỉ phí công. Tôi từng xem Tấm Cám, xem MV và những hình thảm đỏ của Isaac. Tôi ghét nhất là hình tượng soái ca, vì soái ca không có một cá tính, không thật, không đột phá.  Với tôi, để nhập được vai thì phải biết cách vứt bỏ đi hình tượng. Và tôi nghĩ rằng, cuối cùng Isaac đã thực hiện được điều ấy.

Tôi từng phỏng vấn Phát. Ở Phát có sự cẩn trọng và hơi rụt rè. Trong phim, nhân vật của Phát có nét mạnh mẽ, mãnh liệt hơn. Anh nghĩ gì về bạn diễn viên này?

Phát thông minh, trưởng thành nhưng cùng lúc có sự trong sáng của một đứa con nít. Dũng với vẻ ngoài xù xì, cộc cằn nhưng nội tâm lại rất ngây thơ, trẻ con. Dũng như một cái bánh Crème brulee, rắn ở trên, mềm bên trong và chỉ cần gõ nhẹ sẽ vỡ. Ngoài đời, Phát là một thanh niên đáng yêu, tâm thiện, thương mẹ, và nhất là vô cùng tử tế.  Đối với tôi đây chính là những tích cách vô cùng quyến rũ. Và chính những điều này trong con người Phát đã thổi hồn vào được cho Dũng.

Ngoài cải lương ra, anh có quan tâm đến chèo cổ, tuồng cổ và định làm phim về nó không?

Một trong những đam mê khác của tôi là chèo và hát bội. Văn phong của chèo rất tuyệt vời. Người Bắc có những cách ví von không giống miền nào, rất thâm thúy. Điệu của chèo réo rắt, rất lẳng. Cách bày tỏ tình cảm trong chèo vô cùng “đĩ thõa” Hát bội thì chính là môn nghệ thuật mà giúp cho vốn liếng Hán-Việt cổ của tôi phong phú…Tương lai, chắc chắn tôi sẽ làm phim có hai loại hình nghệ thuật này. Nhưng sẽ không phải là trong tương lai gần.

Anh có sợ phim đầu tay của mình, mang tiếng cãi nhau với nhà sản xuất, tăng kinh phí, thời gian kéo dài, doanh thu không như mong đợi sẽ khó khăn cho phim thứ hai của mình?

Đúng là phim quay nhiều lần trong thời gian dài. Đúng là phim tăng kinh phí nhưng con số kinh phí cuối cùng của Song Lang vẫn là một con số vô cùng khiêm nhường. Con số đó còn thấp hơn kinh phí một phim hài nhảm hiện nay. Trong khi Song Lang là một dự án đòi hỏi mọi thứ gấp đôi như bối cảnh đời/bối cảnh sân khấu, nhạc phim/nhạc cải lương, ekip hoá trang đời/ekip hoá trang cải lương, đạo cụ đời/đạo cụ sân khấu, phục trang đời/phục trang cải lương. Chưa kể tiền tập luyện, phòng thu, đại cảnh với khan giả quần chúng, vân ..vân..Nếu tôi được phép hãnh diện về “thành tích” của mình qua Song Lang, thì việc trước nhất là tôi đã thưc hiện được Song Lang với một kinh phí vô cùng eo hẹp.

Cảm ơn anh! Chúc anh sẽ ngày càng thành công ở những dự án điện ảnh tiếp theo!

*Bài viết từng đăng trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 9/2018 với bút danh Anh Trâm.


Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội