Lost in Translation: Nỗi buồn của những kẻ đi lạc

Lost in Translation: Nỗi buồn của những kẻ đi lạc
Lost in Translation: Câu chuyện của lạc mất và tìm thấy

Lost in Translation bắt đầu khi Bob Harris, ngôi sao điện ảnh gần hết thời, sang Tokyo quay quảng cáo cho một hãng rượu. Tại đây, ông gặp người phụ nữ trẻ đã kết hôn là Charlotte, đi theo chồng trong chuyến công tác. Cả hai đều cảm thấy cô đơn và lạc lõng ở Tokyo. Một người thì đang gặp phải “midlife crisis” (khủng hoảng tuổi trung niên), một người thì đang khủng hoảng hậu tốt nghiệp hay một cụm từ mà giới trẻ ưa dùng gần đây - “khủng hoảng tuổi 20”.

Bob Harris đã có sau lưng một sự nghiệp vững chắc, một hợp đồng béo bở với hãng rượu nhưng ông ghét công việc mình đang làm. Cuộc hôn nhân của ông nguội lạnh và dần mất hết sinh khí; con trai dần tỏ ra chẳng cần đến ông. Còn Charlotte mới ra trường và hoang mang không biết mình muốn gì, mình phải làm gì. “Tôi không chắc” là câu trả lời của cô với mọi vấn đề, từ việc chọn đồ uống cho đến việc có nên thử cắm hoa nghệ thuật không. Charlotte cũng vỡ mộng và thất vọng trước hôn nhân. Chồng cô là nhiếp ảnh gia, mải mê chạy theo những ngôi sao, bỏ mặc cô ở lại với thành phố xa lạ.

Cả Bob Harris và Charlotte bị lạc ngay từ khi còn trên đất Mỹ. Nhưng đặt bối cảnh ở Tokyo, một thành phố xa lạ, việc bất đồng ngôn ngữ cùng cú sốc văn hóa càng nhấn mạnh thêm sự lạc lõng đó. Không phải nhu cầu tình dục hay bất cứ sự lãng mạn nào mà chính là nỗi cô đơn, nhu cầu được chia sẻ đã kéo họ lại với nhau.

Sự cô đơn đã khiến Bob Harris và Charlotte xích lại gần nhau.

Lost in Translation gợi nhớ đến một bộ phim tình cảm cũng rất nổi tiếng khác là Before Sunrise, cũng là câu chuyện về hai người xa lạ, tình cờ gặp gỡ và kết nối với nhau ở một thành phố xa lạ. Nhưng nếu Before Sunrise ngập tràn hy vọng và sự lãng mạn thì Lost in Translation u ám và nhiều tâm trạng hơn. Nếu trong bộ phim có bối cảnh ở thành Vienna (Áo), ta có thể dễ dàng gọi tên thứ tình cảm giữa hai nhân vật chính là tình yêu thì ở Lost in Translation, rất khó để trả lời mối quan hệ giữa hai nhân vật chính là gì. Chính sự la đà, khó đoán biết ấy tạo nên sự khắc khoải, nôn nao của bộ phim.

Lost in Translation có nhiều cảnh quay đẹp và ám ảnh. Nhân vật của Scarlett Johansson không biết bao nhiêu lần ngồi bó gối trước những ô cửa kính nhìn xuống thành phố. Tokyo sau lớp cửa kính vừa yên tĩnh trầm mặc với những tòa nhà chọc trời lạnh lẽo, vừa sôi động với những dòng xe lăn bánh không ngừng nghỉ. Một thành phố vận động, những dòng người hối hả trong khi Charlotte vẫn ngồi yên, không biết phải đi đâu, phải làm gì. Trong phim cô dường như luôn nhìn mọi thứ qua cửa kính, lúc là cửa kính khách sạn, khi là cửa kính tàu điện. Charlotte có thể luôn nhìn rõ mọi thứ nhưng chẳng chạm vào được thứ gì.

Nhân vật của Scarlett Johansson thường nhìn thế giới qua lớp cửa kính.

Phim có rất nhiều cảnh quay mà sự cô đơn, lạc lõng như được cô đặc lại, nhón tay là cầm lấy được. Đó là đôi mắt chán chường mỏi mệt của Bob Harris khi đứng trong thang máy với vẻ bất cần và không quan tâm, là cảnh Charlotte cầm chiếc ô trong suốt đứng ngơ ngác lẫn với đám đông. Ngay cả khi họ ngồi cạnh nhau, bên quầy bar hay ở hành lang phòng hát karaoke, lối nói chuyện rời rạc và làn khói nghi ngút từ điếu thuốc hờ hững trên tay Charlotte… Tất cả đều nói lên nỗi buồn những kẻ bị lạc.

Đây là một bộ phim ít sự kiện và rất kiệm lời thoại. Khác với sự say mê hứng khởi trong những cuộc trò chuyện của đôi tình nhân trẻ ở Before Sunrise, ở Lost in Translation, những nhân vật hiếm khi mở lời. Bob Harris và Charlotte đều nói rất ngắn, tiếng nhỏ nhẹ như những tiếng thì thầm. Lời nói của họ rời rạc, không liền mạch và thường rơi tõm vào sự im lặng. Ở khoảnh khắc nào đó, tâm hồn họ tìm được sự đồng điệu, chạm vào nhau rồi phút sau lại tách ra xa. Những sự gặp gỡ, đồng cảm với những người xa lạ ở những nơi xa lạ thường chẳng đi đến đâu. Hơn ai hết, Bob Harris và Charlotte hiểu điều đó.

Sự cô đơn đặc quánh trong Lost in Translation

Thoại trong Lost in Translation thân mật và riêng tư. Bob Harris và Charlotte chẳng nói những điều đao to, búa lớn về cuộc đời hay về vũ trụ. Họ chỉ nói về chính họ, về sự khủng hoảng và lạc lối, những vấn đề trong đời sống cá nhân, chứng mất ngủ, việc không thể hòa hợp với Nhật Bản… Tất cả những điều ấy, họ chia sẻ một cách dè dặt và tiết chế bằng một giọng nói rất khẽ khàng khiến cho khán giả cảm thấy như mình đang nghe lén, đang xâm phạm sự riêng tư nào đó. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất là ở gần cuối phim, khi Harris thì thầm vào tai Charlotte thì cánh cửa đóng lại, chúng ta – những khán giả - bị đẩy ra ngoài, trở thành kẻ ngoài cuộc. Điều bí mật đã được bảo vệ, không được san sẻ và chỉ là chuyện giữa hai người.

Đạo diễn Sofia Coppola chọn được hai vai chính thành công. Scarlett Johansson ngọt ngào trẻ trung tuổi 18 hớp hồn khán giả bằng vẻ đẹp rất đàn bà của mình. Vai diễn Bob Harris được đo ni đóng giày cho riêng Bill Murray. Đạo diễn Sofia Coppola đã cố gắng mời bằng được Bill Murray tham gia bộ phim “hoặc là có Bill Murray hoặc là không có bộ phim nào hết”. Đáp lại sự kỳ vọng của Sofia, Bill Murray có một trong những vai diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của mình.

The best place to take a photo of the Tokyo Tower is at the viewing deck of Mori building in Roponggi Hills
Lost in Translation lấy bối cảnh ở Tokyo, thủ đô của Nhật Bản/ Photo by Louie Martinez / Unsplash

Lost in Translation đặt bối cảnh ở Nhật Bản, một đất nước mà sự hiện đại và truyền thống, cái cũ và cái mới vừa hòa quyện, vừa xung đột với nhau. Sự mâu thuẫn đó không chỉ dễ dàng nhận ra như sự khác biệt giữa Tokyo và cố đô Kyoto, hai bối cảnh chủ yếu của bộ phim. Một Tokyo hiện đại, huyên náo, không bao giờ ngủ, lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn neon gần như tương phản hoàn toàn với một Kyoto trầm tĩnh, thanh bình, lặng lẽ đến mức nghe thấy tiếng quạ kêu. Nhưng chẳng cần phải đến một thành phố khác để thấy sự mâu thuẫn nội tại ấy ở Nhật Bản. Đạo diễn Sofia Coppola đủ tinh tế để chỉ ra nét phức tạp ấy ngay ở chính Tokyo, nơi mà người ta vẫn mặc kimono đến những lớp Ikebana học cắm hoa nghệ thuật và đêm về vẫn đến những quán karaoke để hát hò thâu đêm suốt sáng.

Tokyo trong Lost in Translation có nét cố chấp, bảo thủ của một thành phố quốc tế nhưng không chịu nói tiếng Anh. Sẽ là thảm họa đối với một du khách nước ngoài đến đây mà một chữ tiếng Nhật bẻ đôi không biết vì hầu hết dịch vụ và người dân bản địa chỉ sử dụng tiếng Nhật. Tokyo đồng thời rất cởi mở và sùng ngoại, nó dành sự kính trọng quá đáng cho một Bob Harris đã gần hết thời. Trong một buổi chụp hình, nhiếp ảnh gia người Nhật yêu cầu Bob tạo dáng kiểu những ngôi sao điện ảnh Mỹ theo một phong cách rất lỗi mốt và rất sến. Nhật Bản trong phim của Sofia Coppola vừa tinh tế vừa lố bịch, vừa sâu sắc vừa hời hợt. Những cảm xúc phức tạp đan xen và khó tách bạch tạo nên một sự thú vị đặc biệt chỉ có được ở thành phố này, đất nước này.

Lost in Translation tìm được sự cân bằng tuyệt vời giữa sự nặng nề nghiêm trọng và nét hài hước hóm hỉnh. Người xem vừa có cảm giác buồn bã vừa cảm thấy tức cười dù nụ cười trong phim chỉ khẽ như một cái nhếch mép giễu nhại. Phim có tiết tấu chậm và khá kén người xem. Một số người sẽ thấy Lost in Translation vô cùng buồn tẻ nhưng số khác - những người bị lạc - sẽ thấy ở tác phẩm này một sự đồng cảm sâu xa.

*Bài viết từng đăng trên VnExpress ngày 13/08/2013 với bút danh Anh Trâm. Có khá nhiều bài  báo, blog đã sử dụng lại các trích đoạn trong bài này với bút danh mới. Nên nếu bạn đọc được ở đâu đó một vài trích đoạn quen quen, thì nhớ rằng bài viết gốc từ 2013 nhé ;)

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội