Mộc mạc chè lam

So với những thứ kẹo xanh đỏ trên bàn tiếp khách ngày Tết, chè lam kém bắt mắt nhất. Nó đặc sệt quê kiểng, lúa nước, chỉ là mấy miếng bột quyện mật giản đơn, màu nâu xen lẫn với màu trắng. Mặc lòng, chè lam là món ăn tuổi thơ, là hương vị Tết trong ký ức của rất nhiều người Việt.
Chắt chiu từ đồng ruộng
Nguyên liệu để chế biến chè lam rất quen thuộc với nhà nông. Đó là gạo nếp, lạc, gừng, mật mía. Để có những mẻ chè lam thơm ngon, người nội trợ phải chọn kỹ nguyên liệu. Nếp làm chè lam phải là nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương, chọn những hạt to, đều, mẩy, phơi khô sạch sẽ. Gừng chọn củ già, hạt lạc phải chắc, mẩy, đủ tháng đủ ngày. Loại mật được chọn là mật mía de, ngọt lịm, màu nâu sóng sánh, nhìn vui mắt và đặc biệt, rất thơm. Tất cả đều là những sản vật “cây nhà lá vườn”, được người nông dân chắt chiu cất giữ trong những chum, vại, dành riêng cho dịp Tết.
Sự tảo tần từ đôi tay
Cách làm chè lam không quá khó nhưng cũng đòi hỏi kỳ công. Đầu tiên, người ta cần rang thóc nếp, lửa nhỏ, đều tay trên chảo gang để thóc nở bung thành bỏng trắng. Sau đó, người ta đem bỏng nghiền thành bột, dùng rây lọc bột thật nhỏ, làm sao khi sờ tay vào bột thấy mát, mịn là được. Gừng rửa sạch, thái sợi rồi băm nhỏ; lạc rang vàng, xát nhẹ cho lớp vỏ lụa bong ra, sau đó tách làm đôi. Một chảo mật lớn được bắc lên, thêm gừng vào đun sôi, rồi lần lượt thêm bột vào khuấy cật lực. Khi bột và mật quánh lại, người ta cho thêm vừng, lạc vào trộn đều. Chè được đổ ra mâm trên một lớp giấy đã rắc sẵn bột khô rồi được dàn phẳng và để nguội. Sau một ngày một đêm, chè ráo, người ta đem chè ra cắt thành từng thanh dài cỡ nửa gang tay, là xong thành phẩm.
Hương vị của ký ức
Bây giờ chè lam đã được sản xuất đại trà, được gói cẩn thận trong những phong bao sạch sẽ. Nhưng trước đây, mỗi dịp tết đến, xuân về, các mẹ, các chị thường tự tay làm chè lam. Những ngày cuối năm, đầu làng cuối xóm, đâu đâu cũng chỉ ngửi thấy mùi nếp cái rang, mùi nghệ tươi và mùi mật sôi. Tùy theo tay nghề của mỗi người, chà lam có hương vị khác nhau, có nhà ăn rất cứng, có nhà ăn rất dẻo. Có nhà còn thêm một chút nước chanh, hoặc hương cam vào chè lam, vị rất đặc biệt. Vào những ngày mưa dầm, cắt da cắt thịt của mùa đông miền Bắc, thật sung sướng biết bao khi nhấm nháp một chút chè lam, cảm nhận vị ngọt của mật, cay của gừng, vị dẻo dai của bột, vị bùi bùi của lạc. Thưởng thức chè lam cùng một chén trà nóng, bạn sẽ cảm thấy niềm hạnh phúc giản dị như được quay về với tuổi thơ nghèo khó nhưng ấm áp êm đềm.
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 1/2019 với bút danh Anh Trâm.