Những kẻ sống chậm ở Hà Nội

Tôi có biết một cặp vợ chồng rất thú vị: Chồng thích lang thang, bắt lấy những khoảng khắc đẹp của Hà Nội, vợ say mê với thế giới vải hoa. Trong khi mọi người hối hả tiến lên phía trước, cặp vợ chồng này lại chủ trương sống chậm lại vì “khi sống chậm, người ta sẽ có cơ hội thưởng thức cuộc sống tốt hơn”.
Hà Nội trong mắt Khánh
“Bạn Khánh” là một nickname khá quen thuộc trên mạng xã hội. Những tấm ảnh chụp Hà Nội bằng iphone của anh được rất nhiều người trầm trồ khen ngợi. Không phải hồ Gươm, tháp Rùa, hay Nhà hát lớn,… Hà Nội trong những tấm ảnh của anh rất đời thường, dung dị. Đó là những cầu thang cũ kỹ, những lọ dưa muối, những hoa nắng trong nhà, những vệt nước mưa trên con đường lầy lội. Đặc biệt, anh chụp rất nhiều ảnh về những tán bàng. Bàng đầu đông, đỏ rực như lửa, qua Tết, lá rụng hết chỉ còn những cành khô khẳng khiu. Đến cuối Xuân, lộc non nhú lên như những ngọn lửa xanh, để sang hè trở thành những tán bàng sung mãn, lá xanh mướt, mỡ màng. Chỉ cần nhìn tán cây, người xem như thấy cả bốn mùa đang đi qua.




Khánh tự nhận mình là một “city boy” chính hiệu. Anh sinh ra ở Hoàng Mai, gần chợ Mơ và lớn lên ở phố Huế. Ông bà và cha mẹ anh đều sinh sống ở đây. Hà Nội gắn bó với anh bằng những câu chuyện của người đi trước. Anh thích lang thang, thích quan sát, thích ngồi trà đá vỉa hè hóng chuyện dân gian. Anh bảo, đó là cả một xã hội thu nhỏ mà ở đó ta có thể thấy muôn màu cuộc sống. Thường những gì anh nghe được không phải là những gì to tát mà ta có thể đọc được trên mặt báo. Đó đều là những chuyện vui, buồn của đời thật, giản dị, gần gũi và không màu mè hay phô trương.








Hà Nội đang thay đổi dần. Những tòa nhà mới mọc lên thay cho những ngôi nhà cũ. Điều đó đôi khi làm Khánh buồn. Anh cố gắng thích nghi với sự biến đổi của Hà Nội và cố gắng nhìn ra những chi tiết để thấy rằng Hà Nội thực ra vẫn quanh quẩn đâu đây. Một ngôi nhà cấp bốn, mái ngói rêu phong nép sát bên khách sạn sang trọng mới xây lên chẳng hạn. Hà Nội cũ chưa bao giờ biến mất hẳn. Luôn có những dấu vết để lại cho những tâm hồn hoài cổ như Khánh.
Hà Nội trong những tấm ảnh của anh trẻ trung, hỗn độn, cũ mới đan xen nhưng vẫn không bớt đi vẻ gợi cảm. Anh thích chụp ảnh bằng iphone vì đó là một thứ đi theo người, tiện dụng, lúc nào cần là có. Bản thân iphone giới hạn đối tượng chụp rất nhiều: nó không bắt được những chuyển động nhanh, không mô tả được những vùng tương phản sáng tối. Vì thế, anh thường dùng iphone để chụp tĩnh vật. Ngắm ảnh của anh, người ta thường bắt gặp một Hà Nội lặng lẽ, bình yên và ngập trong nắng.
Vườn hoa không mùa của Hương Flora
Khách du lịch đến thăm Nhà thờ Lớn Hà Nội, trong khi lang thang khám phá con phố nhỏ Ấu Triệu kề bên, thường ngạc nhiên thú vị khi phát hiện một cửa hàng xinh xắn chuyên bán đồ vải hoa mang tên Flora Boutique. Đằng sau lớp cửa kính trong suốt là một thế giới ấm áp, dịu dàng và rất phụ nữ. Nép ở một góc là những chồng gối bí sặc sỡ sắc màu, treo trên tường là những chiếc chăn bằng vải ghép độc đáo. Ở đây, khách còn tìm thấy cơ man nào là những chiếc túi đủ kiểu dáng xinh xắn; những quyển sổ bọc vải hoa; những chiếc ví cầm tay gọn gàng; những chiếc khăn mềm mại như mang cả khu vườn mùa xuân ra phố. Flora Boutique, ngay cả trong những ngày mùa đông mưa phùn rét buốt nhất, lúc nào cũng ngập tràn trong hoa.



Thanh Hương, nữ chủ nhân của shop hiện đang là giảng viên Thiết kế đồ họa tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hồi còn du học ở Paris, chị thường bán những tấm chăn lụa chần bông của Việt Nam cho dân bản xứ để có thêm thu nhập. Những lần dạo chơi ở vùng thôn quê Pháp, chị thường bắt gặp những người phụ nữ hiền hậu ngồi khâu những tấm chăn được ghép bằng hàng trăm miếng vải hoa xinh xắn. Chị chợt nghĩ: sao không thử kết hợp chăn lụa của mình và cách ghép vải của họ? Nghĩ là làm, chị mày mò học cách làm những tấm chăn: mặt trên ghép vải hoa, mặt dưới kết hợp vải lụa và trần tay. Thử một vài cái thì kết quả đẹp ngoài mong đợi. Không chỉ dừng lại ở chăn ghép, Thanh Hương còn tiếp tục cho ra đời những sản phẩm khác: khăn, túi, váy, áo… Tất cả đều sặc sỡ sắc hoa để phục vụ nhu cầu cho phái đẹp.






Flora Boutique ra đời được hơn 4 năm vẫn chỉ dừng lại ở một cửa hàng nhỏ trên phố Ấu Triệu. Thanh Hương chia sẻ chị không có nhu cầu phát triển thương hiệu hay mở thêm một vài cửa hàng khác nữa. Chị muốn Flora lúc nào cũng chỉ thế: nhỏ nhắn, gần gũi, một chỗ để chơi, để thử nghiệm những cái chị thực sự thích. Những người phụ nữ có thể tìm đến nơi đây như một chốn để nghỉ, không phải bon chen, không phải suy nghĩ. Chỉ có cảm giác bình yên và an tâm khi được bao bọc bởi chăn ấm, đệm êm. Mọi lo lắng, phiền muộn của cuộc sống thường nhật cũng dừng chân ngoài cửa kính, không có chỗ trong không gian của Flora.
Cuộc sống không có thứ 7, chủ nhật
Bởi đơn giản, với Khánh và Thanh Hương, ngày nào cũng là ngày nghỉ. Chồng thích lang thang và say mê chụp ảnh. Vợ có cả một vườn hoa không mùa, luôn rực rỡ bất kể mọi thời tiết. Cả anh và chị đều theo đuổi những sở thích riêng nhưng họ vẫn đi song song bên nhau. Tính đến nay đã hơn 3 năm có lẻ, họ chọn nhau làm bạn đồng hành.
Flora Boutique có thể không đem lại cho Hương sự rủng rỉnh về tài chính (đó là do chị chọn: chủ động đứng ngoài vòng xoáy tiền bạc), nhưng nó đem đến cho chị những phút giây thư giãn, được là mình và quan trọng hơn: một anh chồng. Họ gặp nhau chính tại của hàng Flora này khi anh Khánh đến để mua hàng. Họ yêu nhau, anh Khánh tặng chị một con mèo và họ trở thành bạn đời sống chung dưới một mái nhà.


Cả hai chia sẻ với nhau rất nhiều sở thích: thích chơi với mèo, thích xem phim, nghe nhạc, thích ở nhà, ngại cuộc sống bon chen. Anh quan niệm: “mình không làm phiền gì đến ai và cũng đừng ai làm phiền gì đến mình”. Cả chị và anh đều có thời gian dài đi làm việc hành chính: 8h sáng đến cơ quan, 5h chiều cắp cặp về. Họ cảm thấy không hợp, cảm thấy cứ sống như thế mãi thì thật phí thời gian. Cả hai chọn cuộc sống như bây giờ: vẫn có thể làm việc, cống hiến, vẫn có thời gian cho mình, cho gia đình và cho bạn bè.
Một ngày bình thường của hai vợ chồng bắt đầu bằng những tách cà phê buổi sáng. Họ cùng trò chuyện, nghe nhạc, làm việc riêng, sau đó 11 giờ bắt đầu lên phố để tránh giờ tắc đường. Họ ăn trưa cùng bè bạn, sau đó chị ghé shop, còn anh lại lang thang với chiếc iphone cố gắng bắt lại những khoảng khắc đẹp của Hà Nội. Chị Hương đùa: “Hai đứa, nói chung, tài sản không có gì, chỉ có mỗi thời gian”. Không bao giờ mơ mộng trở thành ông nọ bà kia, không tự gây áp lực phải làm điều này hay điều khác, họ là những kẻ đi thong thả và hài lòng với cuộc sống hiện tại.
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí Style, quãng thời gian 2013-2015, với bút danh Anh Trâm.