Những trái đắng ở Hollywood
Los Angeles được mệnh danh là thành phố của những giấc mơ những có lẽ nên sửa thành “những giấc mơ tan vỡ” thì đúng hơn. Mỗi năm, cả ngàn người đổ xô về nơi đây, nuôi mộng thành danh với môn nghệ thuật thứ bảy. Cái giá phải trả rất đắt đỏ nhưng không phải ai cũng thành công – những bộ phim Hollywood làm về chính mình đã bóc trần sự thật này.
Leo lên đỉnh vinh quang không dễ
LA chào đón tất cả mọi người nhưng có tồn tại được ở đây hay không là một câu hỏi lớn. Trong La La Land, Mia là một diễn viên trẻ chật vật tìm kiếm cơ hội ở thành phố thiên thần. Ban ngày cô làm bồi bàn ở một quán café, thỉnh thoảng trốn việc để tham gia những buổi thử vai không thành công. Tối đến, cô cùng bè bạn chọn những chiếc váy đẹp nhất, tham gia các buổi tiệc tùng với hy vọng sẽ có ai đó trong đám đông chú ý và giúp đỡ phát triển sự nghiệp. Tất cả cố gắng không mang đến kết quả nào, Mia vẫn vô danh trong thành phố LA rộng lớn. Ở đó, cô gặp Sebastian, một nhạc công jazz cũng trong tình trạng tương tự và cả hai phải lòng nhau. Cuộc đời bắt họ lựa chọn giữa tình yêu hay sự nghiệp: họ đều chọn đam mê để cuối cùng “có tất cả nhưng không có nhau”.

Dẫu vậy cái giá mà Mia và Sebastian phải trả vẫn rẻ chán so với những trường hợp khác. Trong Swimming With Sharks, anh chàng Guy mừng rỡ vì được làm trợ lý cho Buddy Ackerman, một ông trùm điện ảnh quyền lực. Không ngờ Guy bị đối xử như nô lệ, bị hành hạ lên bờ xuống ruộng, bị tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần. Cuối cùng, Guy dần trở thành chính kẻ mà mình căm ghét, thậm chí sẵn sàng giết cả bạn gái mình vì điều đó giúp anh đi xa hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, không bộ phim nào đạt độ “thảm khốc” trong việc khắc họa nền công nghiệp điện ảnh bằng The Day of the Locust. Phim theo chân một nhóm người đuổi theo danh vọng ở Hollywood để rồi bị cuộc đời đập cho tơi tả. Kẻ phải làm gái, người mất mạng, người bị thương, kẻ bị đánh đập. Tất cả quay cuồng trong vòng xoáy danh lợi, tình tiền, thù hận để rồi tất cả đều bị cỗ máy công nghiệp điện ảnh nghiền nát.
Mặt trái của thành công

Ngay cả khi may mắn thành danh tại Hollywood thì cuộc đời không phải lúc nào cũng là thảm hoa hồng. Cuộc sống của một người nổi tiếng rất áp lực và thường phải đối diện với nỗi cô đơn. Các ngôi sao thường tìm đến rượu, thuốc lá, thậm chí là ma túy để khuây khỏa. Không bộ phim nào khai thác những góc tối ngột ngạt ở Hollywood một cách trần trụi như Maps to the Stars, bộ phim từng tranh giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2014. Trong phim, những diễn viên nhí bị đánh cắp tuổi thơ và biến thành cỗ máy kiếm tiền của bố mẹ. Chúng bị mất cân bằng tâm lý, trở nên bạo lực và phải vào trại giáo dưỡng nhân phẩm. Những nữ diễn viên sẵn sàng qua đêm với đàn ông vì vai diễn, cướp bồ nhau để trả thù. Dường như tại kinh đô điện ảnh thế giới, những lần hút chích ma túy, những cuộc quan hệ tình dục tập thể, những buổi điều trị tâm lý…đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Tất cả các nhân vật trong phim đều mặc kẹt trong giấc mộng huy hoàng bỗng thoắt chuyển thành một cơn ác mộng từ lúc nào không biết.

Once Upon A Time in Hollywood – bộ phim đánh dấu sự trở lại của quái kiệt Quentin Tarantino – cũng cho thấy một đời sống khắc nghiệt tại Hollywood. Rick Dalton từng là một ngôi sao truyền hình nổi tiếng nhưng giờ đây anh bị lợi dụng để làm nền trong những bộ phim cao bồi rẻ tiền. Chứng kiến sự nghiệp ngày càng đi vào ngõ cụt, Rick nghiện rượu và dần có triệu chứng của bệnh rối loạn lưỡng cực. Cliff là anh chàng đóng thế không thể tìm thấy việc làm vì bị giới làm phim định kiến, ghét bỏ. Sharon Tate – ngôi sao trẻ đang lên và Roman Polanski – đạo diễn lừng danh thế giới, thì vô tư tiệc tùng ăn chơi mà không biết họa sát thân đang tiến rất gần đến căn nhà mình.
Cái dốc ảm đạm bên kia của sự nghiệp
Lên dốc ắt phải có ngày xuống dốc: không ai mãi ở trên đỉnh vinh quang đặc biệt là ở Hollywood - nơi bị ám ảnh bởi tuổi trẻ và sắc đẹp. Ngay khi bạn hết thời, Hollywood trở mặt rất nhanh. Có người chấp nhận điều đó như một lẽ tất yếu của cuộc sống, dù không mấy vui vẻ. Nhưng có kẻ thì đánh mất chính mình, ngày càng lún sâu vào bi kịch.
Birdman, bộ phim giành 4 giải Oscar năm 2015, kể về Riggan Thomson, một ngôi sao phim siêu anh hùng thập niên 90 mãi không thoát khỏi những hào quang trong quá khứ. Đi đâu ông cũng thấy gã Birdman – nhân vật ông thủ vai năm nào – đứng cạnh để chế nhạo, chì chết ông về những quyết định sai lầm trong đời. Riggan tìm mọi cách để thoát khỏi hình tượng mà ông bị đóng đinh để rồi mãi loay hoay, bất lực trong canh bạc cuối đời.

Sẽ là thiếu sót khi nhắc đến mặt trái của Hollywood mà bỏ qua bộ phim huyền thoại Sunset Boulevard. Không bộ phim nào nói về những bi kịch ở Hollywood một cách cay đắng hơn, ám ảnh hơn. Norma Desmond là một ngôi sao phim câm từ lâu đã bị lãng quên nhưng bà không chịu chấp nhận sự thật. Những bữa tiệc năm mới của bà không một khách tham dự, những lá thư fan hâm mộ gửi đến đều do người quản gia giả mạo. Trong một phút giây ngắn ngủi, các nhà sản xuất phim giả vờ thân thiện chỉ để mượn chiếc xe hơi độc đáo của bà cho một bộ phim. Norma từng nhiều lần tìm cách tự sát và cuối cùng đã bắn chết kẻ dám nói thẳng vào mặt bà sự thật. Éo le và hài hước thay, khi phóng viên và cảnh sát ùa đến, Norma – lúc này đã hoàn toàn mất trí – còn tưởng mình đang đóng phim.
Thành công càng lớn, giá trả càng nhiều, ai cũng biết thế, nhưng điều đó không làm Hollywood giảm bớt sức hấp dẫn. Dưới bầu trời LA, trăm ngàn giấc mơ được dệt nên và tan vỡ, càng làm nơi đây trở nên huyền hoặc, lôi cuốn hơn.
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Officiel Vietnam năm 2019 với bút danh Anh Trâm. Ngoài các bộ phim kể trên, những phim như The Artist (2011) hay mới đây nhất là The Substance (2024) cũng rất xuất sắc trong việc lột trần bộ mặt thật của Hollywood.
Netflix có series hoạt hình BoJack Horseman, cũng rất đáng xem, nhưng là series chứ không phải phim điện ảnh nên không kể đến trong bài.