Phan Xine: Gã chằn tinh của điện ảnh Việt

Phan Xine: Gã chằn tinh của điện ảnh Việt
Điện ảnh là đam mê lớn của Phan Xine. Ảnh: FBNV

Nếu bạn xem Shrek, hẳn còn nhớ nhân vật chính là gã khổng lồ màu xanh, tướng tá dữ tợn, tính tình nóng nảy nhưng bản chất nhạy cảm và tốt bụng. Phan Xine trong mắt tôi là như vậy.

Phan Xine = Fan Cinema

Người yêu điện ảnh Việt chẳng mấy ai là không biết đến cái tên Phan Xine, nhưng hỏi Phan Xine đang làm gì thì chịu. Với họ, đơn giản, anh là một người mê phim.

Phan Xine làm quen và yêu điện ảnh như cách cậu bé Toto trong Cinema Paradiso làm quen và yêu điện ảnh. Hồi nhỏ, anh sống trong khuôn viên công ty Fafilm Việt Nam, nơi mỗi tuần lại có những buổi chiếu phim ngoài trời cho người dân. Anh trải qua tuổi thơ trong phòng máy chiếu, xem phim qua ô cửa kính nhỏ. Như một lẽ tự nhiên, điện ảnh dần ngấm vào máu thịt lúc nào không hay.

Người ta biết đến cái tên Phan Xine trước hết là nhờ những bài bình luận phim đều đặn anh đăng trên báo và blog. Năm 2002, anh trở thành Thư ký tòa soạn tạp chí Điện ảnh Kịch trường số Đặc biệt cuối tháng, đồng thời quản lý hai forum về điện ảnh có ảnh hưởng lớn đến giời trẻ lúc đó là Moviesboom và Yxine. Năm 2006, anh là người đầu tiên nhận được học bổng quỹ Ford cho chương trình Fellowship for Film Production. Đầu 2007, anh trở thành sinh viên quốc tịch Việt Nam đầu tiên được nhận vào khoa sản xuất phim của Đại học Nam California – trường điện ảnh hàng đầu của Mỹ.

Điện ảnh với Phan Xine là một cái duyên. Anh đã có thể lựa chọn khác đi. Ít người biết rằng anh từng học kiến trúc, có thể trở thành kiến trúc sư. Phan Xine cũng từng đi làm báo, ngồi vị trí Thư ký tòa soạn vài năm, đã từng làm giám đốc sáng tạo trong công ty quảng cáo. Vậy mà cuối cùng anh cũng bỏ hết mọi thứ để đi theo con đường điện ảnh. Lý do không thể đơn giản hơn; điện ảnh là đam mê lớn của anh và nó đem lại cho anh niềm vui.

Kẻ mơ những giấc mơ dài

Năm 2010, Phan Xine và hai người bạn cùng chí hướng là Marcus Mạnh Cường Vũ và Quỳnh Hà đồng sáng lập tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF. Đây là sân chơi điện ảnh mới cho các nhà làm phim trẻ. YxineFF nhận phim, tuyển phim, chiếu phim, bình chọn và chấm giải chủ yếu trên mạng internet. Điều này giúp YxineFF tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng và cho phép khán giả khắp mọi nơi có thể theo dõi tiệc phim. Bước sang năm thứ 5 hoạt động, YxineFF gây tiếng tăm lớn tại Việt Nam cũng như tại châu Âu và Mỹ.

Đó không phải là dự án cộng đồng đầu tiên và duy nhất mà Phan Xine tham dự. Anh cũng dành nhiều tâm huyết cho Lớp học Làm phim Toto – chương trình đào tạo điện ảnh miễn phí cho trẻ em. Anh tâm sự: “Hồi trẻ tôi đã rất may mắn được nhiều người đi trước giúp đỡ, nên cũng muốn làm gì đó để giúp đỡ lại những bạn đi sau. Xây dựng cộng đồng điện ảnh thực ra còn một chút ích kỷ của bản thân vì muốn điện ảnh phát triển thì cần một cộng đồng điện ảnh phát triển.”

Trong lúc mải mê với những dự án cộng đồng, những kế hoạch cá nhân của anh vẫn tạm xếp lại. Thỉnh thoảng anh có chạy qua chạy lại phụ cho đạo diễn này, đạo diễn nọ chẳng hạn như làm phó đạo diễn cho Nguyễn Quang Dũng trong Mỹ Nhân Kế, làm cố vấn cho Nguyễn Quang Huy trong Thần Tượng…Phan Xine tâm sự, có lẽ công việc chính của anh bây giờ là “chờ thời”, “đợi cờ đến tay rồi phất”. Đối với anh, đạo diễn không phải là một nghề, mà là thú vui đam mê, nên phải thích mới làm, chứ không làm để kiếm sống. Anh sẵn sàng làm những thứ khác để kiếm tiền, chờ đến đúng thời điểm thì làm bộ phim mà mình thích.

“Buồn là một cảm giác rất thời trang”

Tôi đã từng nghe nhiều người nói về cá tính nóng nảy của Phan Xine. Khi anh còn làm phê bình phim, Phan Xine làm mếch lòng khá nhiều đạo diễn, biên kịch. Đến khi chính anh tham gia ekip làm phim, anh lại đụng độ với bên báo chí không ít. Người ta gọi Phan Xine là kẻ mạnh miệng, kẻ hay gây phật lòng.

Tuy nhiên đọc blog của anh, bên cạnh những bài viết sắc sảo về phim ảnh, hoặc mang giọng điệu mỉa mai khi bàn về các vấn đề xã hội, tôi gặp một Phan Xine khác, trầm lắng hơn và có lẽ, cô đơn hơn.  Đó là những note viết về thói quen thích sưu tầm sổ, dù chả để làm gì, hay việc đi lang thang một mình. Hỏi Phan Xine về việc đó, rằng anh là ai giữa hai thái cực ấy, anh trả lời đơn giản: “Thì mình mạnh miệng, nóng tính, mất lòng nhiều người thì dĩ nhiên là không ai muốn làm bạn, vậy thì cô đơn, nhạy cảm và buồn thôi”. Câu trả lời nhẹ hều như thể anh đã chấp nhận điều ấy từ lâu. Cá tính mình sinh ra đã vậy thì phải chịu vậy.

Có một hình ảnh thường đi liền với Phan Xine đó là chũ Tễu. Hồi sang Mỹ học, anh mang chú Tễu đi theo như một kỷ vật để nguôi nỗi nhớ nhà. Sau này trong những chuyến công tác đơn độc, anh cũng thường mang chú Tễu theo như một người bạn đồng hành đặc biệt. Tôi thấy những tấm ảnh anh chụp chú Tễu ở khắp nơi, ở Okinawa, ở Paris hay London. Mặt chũ Tếu luôn hớn hở, với nụ cười ngoác tận mang tai như nhắn nhủ “rồi mọi chuyện cũng sẻ ổn thôi”. Không ai nói những lời ấy với một người đang vui nên mỗi khi thấy anh post ảnh chụp chú Tễu, tôi đoán, anh cũng đang buồn buồn.

Mà Phan Xine thì đối diện với nỗi buồn bình thản lắm: “Ôi, ai trên đời mà không buồn chứ. Buồn là một cảm giác rất thời trang. Nhiều khi đời vui quá phải bày ra chuyện để buồn cho nó đỡ buồn. Nhưng chắc nỗi buồn của mình chẳng sánh nổi những nỗi buồn khác của thiên hạ nên cũng không kể lể làm gì.

Đạo diễn ưa thích nhất của anh? David Lynch, Quentin Taratino, Christopher Nolan, David Fincher, Bong Joon Ho, Hayao Miyazaki...
Bộ phim ưa thích nhất? Cinema Paradiso, Shawshank Redemption, Rashomon, The Matrix, Pulp Fiction, Totoro, Lost Highway...
Nhân vật điện ảnh mà anh thấy liên hệ nhất với bản thân? Toto trong Cinema Paradiso
Nếu một ngày cuộc đời của anh lên phim, anh muốn nó thuộc thể loại nào? Dark Comedy  (Bi hài kịch)

*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí Style số tháng 9/2014 với bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội