The Tale of Princess Kagua: Chuyện Tiên luyến trần

The Tale of Princess Kagua: Chuyện Tiên luyến trần
Bộ phim được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất

14 năm sau My Neighbors the Yamadas (Gia đình nhà Yamada), khán giả mới gặp lại bậc thầy Isao Takahata với bộ phim The Tale of Princess Kaguya (Chuyện công chúa ống tre). Đây là bộ phim cuối cùng ông làm đạo diễn trước khi xa rời cõi tạm vào năm 2018.

Nhắc đến hãng phim hoạt hình Ghibli, người hâm mộ thường không quên “bộ đôi vàng” của điện ảnh Nhật Bản: Hayao Miyazaki và Isao Takahata. Nếu Miyazaki thường kể những câu chuyện ấm áp, sực mùi nắng, trí tưởng tượng bay bổng tuyệt vời thì người bạn đồng hành của ông là Takahata lại ưa những câu chuyện nhỏ, dung dị và trầm lắng.

Đạo diễn Isao Takahata (1935-2018)

Khác với Miyazaki thường thích truyền tải những thông điệp lớn lao về bảo vệ môi trường, chiến tranh – hòa bình, Takahata thường tập chung vào những chủ đề gần gũi như sự trưởng thành, tình người, giá trị bản thân. Xem những phim của Miyazaki như Spirited Away hay Howl’s Moving Castle, khán giả thường ngỡ ngàng trước những hình ảnh tỉ mỉ và trau chuốt. Trái ngược lại, phim hoạt hình của Takahata thường có nét vẽ  tối giản, đậm chất biểu tượng. Hayao Miyazaki có vẻ ngoài hào hoa, phong nhã như tài tử điện ảnh, còn Isao Takahata thì trông chất phác, gần gũi như một người ông của đàn cháu ở nhà. Vì nhiều lý do, Miyazaki được phương Tây biết đến nhiều hơn nhưng giới phê bình chưa bao giờ vì thế mà đánh giá thấp tài năng của Takahata.

Năm 2013, The Wind Rises của Miyazaki lọt vào danh sách đề cử Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất thì một năm sau, The Tale of Princess Kaguya cũng nhận được đề cử ở chính hạng mục ấy. Phim chuyển thể từ câu chuyện cổ tích quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ của hầu hết trẻ em Nhật Bản. Một nàng công chúa trên cung trăng vì lí do nào đó bị đày xuống trần gian. Nàng được một ông lão tiều phu hiếm muộn tình cờ tìm thấy trong một đốt tre phát sáng và đem về nhà nuôi nấng như con đẻ. Sống dưới hạ giới một thời gian, một ngày nọ nàng từ biệt cha mẹ nuôi để bay về trời.

Kaguya từng có tuổi thơ vô tư vui vẻ bên bạn bè cùng trang lứa

The Tale of Princess Kaguya đã mang đến cho khán giả một câu chuyện cổ tích đúng nghĩa. Khác với các nhà làm phim Hollywood thích “làm mới” những câu chuyện cũ, thêm thắt nhiều tình tiết li kì làm khán giả bất ngờ , Isao Takahata đã trung thành với nguyên tác hết mức có thể.

Xem phim, khán giả sẽ không cảm thấy khó chịu vì câu chuyện cổ tích yêu thích của mình bị bóp méo. Vẫn những tình tiết cũ ấy nhưng Isao Takahata đã tập trung đi sâu vào tâm lý cũng như cá tính của nhân vật. Theo định mệnh, tiên nữ phải bay về trời, đó là điều không thay đổi được. Nhưng quãng đời dưới trần gian của nàng như thế nào? Nàng đã sống, đã cảm nhận ra sao, đã chứng kiến những gì?

Tại sao trần gian là khổ ải, thoát trần là thoát khỏi kiếp đi đày, mà trong câu chuyện cổ tích từ thế kỷ thứ 10 vẫn tràn đấy tình lưu luyến của nàng công chúa? Isao Takahata đã khai thác sâu thế giới nội tâm của cô gái và kể một câu chuyện nhiều lớp lang ý nghĩa, nhiều cảm xúc day dứt cho khán giả.

Phim khai thác sâu nội tâm của Kaguya trong quãng thời gian nàng lưu lại cõi trần.

Những người yêu thích chuyện cổ Nhật Bản đều biết cổ tích Nhật gần như nằm ngoài dòng chảy của cổ tích thế giới. Cổ tích Nhật ít những câu chuyện “ở hiền gặp lành”, “người tốt được báo ơn” mà thường buồn bã và dang dở. Chúng là những câu chuyện về sự bấp bênh của lời hứa, sự lận đận của kiếp người và những hạnh phúc tưởng như trong tầm tay lại để vụt mất. Câu chuyện Nàng tiên trong ống tre, qua cách kể lại của Isao Takahata, vì thế lại càng khác biệt so với những bộ phim kết thúc có hậu của Disney.

Kaguya sống trong cảnh nhung lụa nhưng nàng không hạnh phúc.

Xét cho cùng, Kaguya là một người vô cùng cô độc, không một ai hiểu được nàng. Bố mẹ nuôi, các hoàng tử, Nhật hoàng hay thậm chí cả những đồng loại trên thiên giới đều không quan tâm đến cảm nhận của nàng công chúa. Họ đều làm những gì mà họ cho là tốt nhất với Kaguya. Cha mẹ nuôi muốn nàng được gả vào chốn giàu sang. Các hoàng tử muốn dùng của cải để mua được tấm chân tình. Người trên cung trăng muốn nàng về cung, ép  nàng mặc chiếc áo thần để quên hết cuộc sống dưới trần.

Lời thoại ám ảnh nhất trong phim là khi Kaguya gặp lại người bạn thanh mai trúc mã của nàng và nói: “Chúng ta đã có thể hạnh phúc biết bao”. Hạnh phúc trong tầm với, cuối cùng bị tuột tay bởi định kiến, lề thói và sự kiêu ngạo. The Tale of Princess Kaguya, vì thế, kết thúc trong cảm giác dang dở, tiếc nuối. Đây chính là điểm bộ phim chạm vào trái tim người xem vì có lẽ cuộc đời con người  chính là như vậy.

Isao Takahata khi ấy vừa bước sang tuổi 80 và đúng như nhiều dự đoán, đây là bộ phim cuối cùng ông làm đạo diễn. The Tale of Princess Kaguya vì thế còn mang nhiều trăn trở của một nhà làm phim đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” từ lâu. Cuộc đời ngắn ngủi , buồn nhiều hơn vui, tràn ngập cả sự không cam tâm lẫn sự ngậm ngùi, nhưng đến lúc phải lìa xa, ai mà không lưu luyến?

Những khung hình tuyệt đẹp của The Tale of Princess Kaguya

Bộ phim được vẽ bằng chì, mực và màu nước. Cách vẽ hồn hậu, tự nhiên, ảnh hưởng của mỹ thuật truyền thống Nhật Bản và chủ nghĩa ấn tượng. Những vệt màu nhòe đi trong những cảnh nhân vật chuyển động, thể hiện tâm trạng xáo động bất an của nàng công chúa. Nét vẽ bay bướm, nước chảy mây trôi, hình khói lẫn lộn khiến bộ phim đẹp đẽ, hư ảo như một giấc mơ.

Phần âm nhạc của phim do Joe Hisaishi đảm nhiệm. Đó là một cái tên quen thuộc đối với fan trung thành của hãng Ghibli vì tên tuổi ông gắn liền với những bộ phim hoạt hình của Hayao Miyazaki. Đây là lần đầu tiên Hisaishi hợp tác với Takahata trong một bộ phim. Kết quả thật mĩ mãn: giai điệu u hoài, đượm nỗi tiếc nhớ càng khiến The Tale of Princess Kaguya trở nên đẹp đẽ và ám ảnh hơn.

Trailer phim The Tale of Princess Kaguya

Năm 2018, Isao Takahata đã theo chân nhân vật Kaguya của mình về với cõi tiên, để lại bao tiếc nuối cho người hâm mộ. Gia tài mà ông để lại với những bộ phim kinh điển như The Grave of Fireflies (Mộ đom đóm), Only Yesterday (Chỉ còn ngày hôm qua), My Neighbors the Yamadas và The Tale of Princess Kaguya sẽ mãi mãi lấp lánh như những viên ngọc vô giá của nền điện ảnh Nhật Bản.

*Bài viết từng đăng trên tạp chí Style năm 2014/2015 với bút danh Anh Trâm và được tác giả biên tập lại năm 2024.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội