Đẳng cấp "bịa chuyện" của Quentin Tarantino

Đẳng cấp "bịa chuyện" của Quentin Tarantino
Tarantino kể những câu chuyện không thể tin được nhưng cách kể thú vị và thuyết phục đến nỗi người đời chỉ còn cách ngả mũ thán phục.

Không ai làm phim như Tarantino: vừa tào lao, vừa đẫm máu theo một cách rất duyên. Tarantino kể những câu chuyện không thể tin được nhưng cách kể thú vị và thuyết phục đến nỗi người đời chỉ còn cách ngả mũ thán phục.

Gã trai bỏ học từ năm 15 tuổi

Quentin Tarantino có vẻ ngoài không mấy bắt mắt: đầu hói, bụng phệ, mắt híp, miệng hơi meo méo. Mặc lòng, ông vẫn là một trong những đạo diễn được kính nể nhất Hollywood. Ông có một sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy tuy mới chỉ làm có 9 phim. Điều đáng kể là Quentin Tarantino chưa từng làm phim dở. Những bộ phim của ông đều được giới phê bình đánh giá rất cao và được công chúng chào đón nhiệt liệt.

Bộ phim đầu tay của ông:  Reservoir Dogs kể về những kẻ cướp kim cương, được tờ Empire mệnh danh là “Bộ phim độc lập vĩ đại nhất mọi thời đại”. Pulp Fiction – một tượng đài sừng sững của điện ảnh thế giới – đem lại cho ông giải Cành Cọ Vàng và giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc. Kill Bill, bộ phim Cô Dâu trả thù luôn nằm trong list những phim hành động hay nhất. Lần lượt những Inglourious Basterds, Django Unchained và mới đây nhất là Once Upon A Time in Hollywood đều nhận được cơn mưa lời khen và các giải thưởng điện ảnh.

Đáng ngạc nhiên là Quentin Tarantino chưa từng đi học làm phim. Ông thậm chí còn bỏ học từ năm 15 tuổi khi chưa tốt nghiệp trung học. Mọi kiến thức về điện ảnh của Quentin có được là nhờ xem rất nhiều phim khi còn làm nhân viên tại tiện cho thuê video nằm ở khu Manhatta. Trong 5 năm, ông được thoải mái xem hàng nghìn bộ phim đủ mọi thể loại. Việc trò chuyện với những người tới thuê băng cũng giúp ông nắm rõ được thị hiếu khán giả. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách làm phim sau này của Quentin: một nồi lẩu thập cẩm, pha trộn rất nhiều thể loại, được gia giảm gia vị rất vừa miệng.

Công lý kiểu Tarantino

Tarantino rất yêu thích văn học và việc viết lách. Trong nhiều bài phỏng vấn, ông từng chia sẻ ông viết tiểu thuyết trước khi chuyển chúng thành định dạng kịch bản. Thậm chí, Tarantino còn tuyên bố ông sẽ nghỉ hưu sau bộ phim thứ 10 để toàn tâm toàn ý vào việc viết tiểu thuyết. Chi tiết này để nhấn mạnh một trong những điểm nổi trội nhất trong phim của Tarantino chính là kịch bản vô cùng độc đáo và sáng tạo.

Hình ảnh "Cô Dâu" trong bộ đồ Lý Tiểu Long màu vàng sọc đen, tay cầm kiếm Nhật đã trở thành một biểu tượng của điện ảnh thế giới.

“Trả thù” là một chủ đề lặp đi lặp lại trong các bộ phim của Quentin Tarantino. Thế giới thực có thể hỏng hóc, đầy lỗi lầm, đầy thảm kịch, đã được Tarantino "sửa lại" trong thế giới phim của mình. Ông tôn sùng công lý - dẫu đó là thứ công lý đẫm mùi máu tanh và thuốc súng. Trong phim ông, kẻ yếu thế được vùng lên, trừng trị những kẻ ác ra bã - công lý được thực thi trong sự hả hê xen lẫn rùng mình của người xem.

Reservoir Dogs kể về một toán cướp truy lùng kẻ đã bán đứng bọn chúng. Kill Bill kể về một Cô Dâu quyết tâm giết sạch không tha những kẻ đã gây ra vụ thảm sát tại đám cưới của mình. Inglorious Basterds có câu chuyện về một cô gái Do Thái lập mưu trả thù bọn phát xít Đức. Trong Django Unchained, nhân vật chính là một người da đen tìm cách lấy lại công lý từ tay những kẻ da trắng độc ác. Trong Once Upon A Time in Hollywood, băng Manson - những kẻ sát nhân ngoài đời - bị hai nhân vật chính hành cho đến chết.

"Đấy cuộc đời đáng ra phải thế chứ" - Đấng cứu thế Quentin sắp xếp lại trật tự thế giới theo ý mình.

Tên đại tá Hans Lada trong Inglorious Basterds dấu sự độc ác qua vẻ ngoài tươi cười, nhã nhặn. 

Không có mấy gương mặt thiện lương trong phim của Quentin Tarantino. Nhân vật trong phim ông thường là dân xã hội đen, đâm thuê chém mướn. Điều thú vị là những kẻ phản diện nhất trong phim của Quentin Tarantino rất hiếm khi trực tiếp sát hại một ai. Còn ngược lại, kẻ chính diện thường tắm máu trên con đường thực thi công lý của mình.

Tarantino đã tạo ra những nhân vật thực sự độc đáo, sống động, mang tính biểu tượng. Đó là tên đồ tể sùng đạo Jules Winnfield trong Pulp Fiction, khi giết người luôn đọc một đoạn trong Kinh Thánh. Người xem không bao giờ quên một Cô Dâu trong bộ đồ Lý Tiểu Long màu vàng sọc đen, cầm kiếm Katana, giết người không chớp mắt. Cùng là độc ác nhưng tên đại tá “săn Do Thái” Hans Lada (Inglorious Basterds) để lại dấu ấn bởi khuôn mặt tươi cười, miệng lưỡi mềm mỏng nhưng đầu óc xảo quyệt còn điền chủ Candie (Django Unchained) thì gây ấn tượng bởi sự lịch lãm, ẩn chứa những cơn điên khó đoán.

Những tay xã hội đen hầm hố nhưng khá "ăn hại" trong Reservoir Dogs.

Công bằng mà nói phim của Quentin Tarantino ẩn chứa nhiều lỗ hổng logic. Chẳng có toán cướp nào mà các thành viên không biết nhau lại còn tụ tập ở café công cộng, đồng phục vest đen và đeo kính đen như trong Reservoir Dogs. Và có lẽ chỉ trong vũ trụ tưởng tượng của Tarantino, Cô Dâu mới có thể tỉnh dậy sau 4 năm hôn mê, không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc nhưng có thể bay khắp thế giới với cây kiếm Nhật trên tay để trả thù.  Nhưng cái tài của Tarantino là đã kể những câu chuyện ấy quá hay, đến nỗi khán giả chẳng còn bận tâm những chi tiết nhỏ ấy nữa mà hoàn toàn chìm đắm vào phim.

Những bộ phim không dành cho kẻ yếu tim

Phim của Tarantino là sự pha trộn của nhiều thể loại. Tiêu biểu như Kill Bill là sự kết hợp của phim võ thuật Trung Hoa, phim samurai Nhật Bản và phim cao bồi Ý. Phim cũng thường phi tuyến tính với trình tự thời gian đảo lộn và thường chia chương hồi (Reservoir Dogs, Pulp Fiction..).

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong phim của Quentin là vô cùng bạo lực. Các bộ phim thường chứa những cảnh giết chóc thanh trừng đẫm máu. Trong Reservoir Dogs có cảnh tên cướp Blonde cắt tai của một cảnh sát. Trong Kill Bill, Cô Dâu cắt đứt một chỏm đầu của bà trùm Yakuza O-Ren. Những cảnh Mexican standoff (ba, bốn người hoặc nhiều hơn cùng chĩa súng lẫn nhau) lặp đi lặp lại đã thành thương hiệu. Cảnh bạo lực trong phim Quentin rất thật, rất sống động đến mức có thể khiến khán giả quay mặt đi vì kinh sợ.

Hai tên gangster mắc bệnh nói nhiều, gây ra vô số tình huống hài hước trớ trêu trong Pulp Fiction.

Quentin Tarantino cũng có một đầu óc hài hước quái dị: ông biết cách làm khán giả bật cười ở những tình uống oái oăm, căng thẳng nhất. Hai tên gangster có nhiệm vụ bắt sống một con nợ nhưng trong lúc mải “chém gió”, súng cướp cò khiến con nợ “bay màu” hay tức khắc. Chúng buộc phải xử lý tình huống này tại nhà người bạn Jimmie -  một gã chúa sợ vợ trước khi vợ gã về.

Phim của Quentin rất xuất sắc ở lời thoại. Mở đầu của Reservoir Dogs là những câu thoại gây sốc về bài hát Like A Virgin của Madonna. Mở đầu của Pulp Fiction ngay lập tức kéo khán giả vào bộ phim bằng cuộc đối thoại gây tò mò: “Quên đi! Quá mạo hiểm”.  Cách Tarantino tung hứng giữa căng thẳng và hài hước, triết lý và tầm phào, bạo lực và chất thơ đã tạo nên phong cách riêng không lẫn vào ai khác của gã đạo diễn quái kiệt này.

*Bài viết từng đăng trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 8/2019 với tựa Thế giới quái dị của Quentin Tarantino, ký dưới bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội