Sắc, Giới: Phút mềm lòng trả giá bằng cái chết
“Anh chạy đi…”Chỉ ba tiếng thôi mà kế hoạch ám sát ấp ủ trong hơn 3 năm, bao nhiêu toan tính, hàng chục sinh mạng liên quan, bỗng tan tành mây khói. Chỉ vì một phút mềm lòng của người phụ nữ.
Sắc, Giới lấy bối cảnh Hongkong và Thượng Hải những năm 30, 40 khi Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc. Vương Giai Chi là thành viên của một nhóm sinh viên yêu nước chống Nhật, được giao nhiệm vụ ám sát một tên mật thám họ Dịch. Cô tìm cách trở thành tình nhân của hắn và tạo cơ hội để đồng đội thủ tiêu gã Hán gian.
Mọi sự đều hoàn hảo. Điều duy nhất chệch khỏi kế hoạch là lòng người.
Vương Giai Chi có yêu Dịch tiên sinh? Có lẽ là không. Nhưng thời gian chăn gối đủ lâu đã làm nảy sinh tình quyến luyến. Tình dục vốn tác động lên tâm lý của đàn ông và phụ nữ theo những cách khác nhau.
Đặc điểm về giới tính, về thể chất, khiến phụ nữ thường dễ cảm thấy gắn bó sâu sắc với những người mà mình cùng ân ái. Đàn ông sau cuộc truy hoan, có thể dễ dàng đứng dậy phủi tay. Nhưng đàn bà thì không. Sự mềm yếu, dễ cảm thấy gắn bó, sự không đành lòng, không nỡ đã trở thành điểm yếu chí tử của đàn bà.
Nhưng tất nhiên, tổ chức thì không để ý đến những điều đó. Một kế hoạch do đàn ông vạch ra thì có bao giờ để ý đến cảm xúc của phụ nữ. Đó là một sai lầm mà chính họ phải trả giá rất đắt sau này.
Sắc, Giới chứng kiến một Thang Duy quá sức tuyệt vời. Cô rất đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên, vừa ngây thơ vừa từng trải. Khuôn mặt lấm tấm mụn cám, đôi mắt mở to ngỡ ngàng, đôi môi mọng được tô son đỏ cẩn thận. Những chiếc sườn xám đẹp lịm người tôn vinh những đường cong uyển chuyển, mềm mại.
Thang Duy đã kiểm soát ngôn ngữ cơ thể một cách hoàn hảo, chính xác trong từng cái chuyển động của mi mắt, từng cái rung động của cơ mặt. Cô thuyết phục khán giả từ những cái mím môi rất nhẹ, đôi mắt ngước lên nhìn xuống hoang mang, hơi thở ngập ngừng, dáng đi loạng choạng. Cả cơ thể đều tham gia kể chuyện, đều truyền đi thông điệp.
Sánh đôi bên cô là bạn diễn Lương Triều Vỹ - có lẽ lần đầu tiên đóng một vai thực sự phản diện đến thế. Anh hóa thân thành một con cáo già đa nghi, độc ác nhưng cũng yếu đuối, mệt mỏi và sợ chết. Nhưng quan trọng nhất là ngay cả ở con cáo già đó, cũng có chút tình người còn sót lại.
Sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ như Trung Quốc đầu thế kỷ 20, Vương Giai Chi, từ đầu đến cuối, chưa bao giờ nhận được tình yêu thương. Cha đẻ cô bỏ trốn sang Anh, mang theo cậu con trai nối dõi tông đường, bỏ mặc cô lại ở nước Trung Hoa bạo loạn. Quảng Dụ Dân, rung động đầu đời của cô, sẵn sàng gửi cô đi bán thân để thực hiện nhiệm vụ. Cậu ta yêu lý tưởng hơn là một con người với hình hài cụ thể. Đối với tổ chức, cô là một quân cờ trong chiêu bài mỹ nhân kế quen thuộc, có thể thí bỏ lúc cần thiết. Đối với Dịch tiên sinh, cô là một thứ tiêu khiển sau những giây phút căng thẳng ngập trong máu me, bạo lực.
Nhưng ở Dịch tiên sinh, có sự thay đổi. Chính hắn từ thái độ thận trọng, đa nghi, bạo tàn lúc ban đầu đã dần dần, từng bước rất nhỏ, mở lòng ra với Vương Giai Chi. Có lẽ cô là người duy nhất nhìn thấy sự yếu đuối, mệt mỏi, sự sợ hãi lẫn hèn nhát của hắn. Giây phút hắn tặng cô chiếc nhẫn, trìu mến nhìn vào mắt cô với khuôn mặt dịu dàng chưa từng thấy, Vương Giai Chi đã lay động. Một chút chân tình đã làm xao lòng cô gái trẻ vốn trước giờ chưa từng được yêu thương. Trạng thái chếnh choáng, nửa mê nửa tỉnh đã khiến ba tiếng "anh chạy đi.." buột ra khỏi môi, có lẽ cũng khiến chính cô bất ngờ."
Bộ phim của Lý An gây tranh cãi nhiều nhất vì có quá nhiều cảnh nóng. Cảnh sex trong phim trần trụi, chân thực, dữ dội nhưng cũng rất đẹp. Nhiều người cho rằng những cảnh nóng như vậy là phản cảm và không cần thiết nhưng thực ra chúng đều góp phần kể câu chuyện. Bên cạnh đam mê nhục cảm, khán giả tinh ý có thể thấy được sự chuyển biến cả về tâm lý lẫn vị thế của hai nhân vật với nhau trong những cảnh ân ái này.
Sắc Giới là bộ phim về âm mưu và tình yêu, lý tưởng và lòng người, trung thành và phản bội, sống và chết. Phim tạo được nhiều luồng ý kiến đa chiều nhưng có lẽ phù hợp nhất với phim là những người biết trân trọng, thương quý đàn bà.
*Đây là bài viết ngắn của tôi đăng lần đầu trên facebook Anh Trâm Trần ngày 22/10/2018.