‘The Perks of Being a Wallflower’ - lá thư gửi tuổi thanh xuân

‘The Perks of Being a Wallflower’ - lá thư gửi tuổi thanh xuân
Bộ phim là hành trình của sự trưởng thành, học cách chấp nhận bản thân và sống hết mình cho hiện tại.

“Wallflower” là một từ lóng, dùng để chỉ những người nhút nhát, sống khép mình, ít tham gia các hoạt động xã hội. Tại những bữa tiệc, những buổi khiêu vũ, trong khi mọi người thoải mái cười đùa vui vẻ, một “wallflower” thường đứng tách biệt, lưng dựa sát vào tường, giấu mình trong bóng tối. Đó thực là một đóa hoa nở âm thầm, hoàn toàn không được người khác để ý.

The Perks of Being a Wallflower kể chuyện về một cậu bé như vậy. Đó là Charlie (Logan Lerman), vừa chân ướt chân ráo vào trung học. Cậu không có bạn, chẳng có ai để trò chuyện. Charlie sợ sự chú ý, ngại va chạm. Lúc nào đi trong hành lang, cậu cũng cúi gầm mặt. Trong lớp, cậu không bao giờ giơ tay phát biểu, dù biết hết câu trả lời. Cậu ăn trưa một mình, đếm từng ngày đến lúc ra trường.

The Perks of Being a Wallflower đặt bối cảnh vào những năm 1990, thời còn chưa có Facebook, Blog hay bất cứ mạng xã hội nào. Cô đơn nghĩa là hoàn toàn cô đơn. Chẳng có nơi nào để Charlie có thể viết lách, trút bầu tâm sự, rồi ngóng đợi những lời chia sẻ vu vơ từ những người xa lạ. Để giải trí cho chính mình, Charlie tìm về một trong những cách giao tiếp cổ xưa nhất giữa người với người: viết thư tay, không phải gửi đến một người bạn có thật mà là cho một người bạn tưởng tượng. The Perks of Being a Wallflower là câu chuyện được kể lại qua tập hợp những lá thư như vậy. Bộ phim có giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, như thể Charlie đang trực tiếp kể lại chuyện mình cho khán giả.

Cuộc sống của Charlie thay đổi kể từ khi cậu gặp gỡ cặp anh em Patrick (Ezra Miller) và Sam (Emma Watson). Họ đều là những học sinh năm cuối, phóng khoáng và nổi loạn. Dần dần, hai người kéo Charlie khỏi vỏ ốc, giúp cậu sống những ngày tháng tuổi trẻ tuyệt vời nhất trong tình bạn và tình yêu. Đó là một hành trình của sự trưởng thành, học cách chấp nhận bản thân và sống hết mình cho hiện tại.

The Perks of Being a Wallflower là một bộ phim trưởng thành (Coming of Age) - phim về tuổi dậy thì, về thời điểm những đứa trẻ chập chững bước vào đời. Trong khi phim khoa học viễn tưởng, phim sử thi hoành tráng hấp dẫn khán giả ở những trí tưởng tượng vô biên, thì những phim học đường luôn “trò chuyện” trực tiếp với người xem. Chúng ta luôn tìm thấy một phần nào đó của chính mình trong câu chuyện.

Ai trong chúng ta cũng từng trải qua những thời điểm khó khăn, những ngày tháng bơ vơ, cảm giác như bị cả thế giới quay lưng, không ai hiểu mình và mình hoàn toàn cô độc. Chúng ta hẳn cũng từng yêu thầm một ai đó nhưng chẳng dám ngỏ lời, từng tự hỏi tại sao tất cả những người tử tế lại yêu sai người hay từng cảm thấy bất lực khi không thể giúp đỡ một người mà ta thực lòng quan tâm.

The Perks of Being a Wallflower gần gũi và giản dị như vậy. Xem phim, khán giả như được sống lại một lần nữa những năm tháng của tuổi học trò ngây thơ và vụng dại. Khán giả dễ dàng đồng cảm với những nhân vật trong phim vì những điều xảy ra trên màn bạc cũng chính là những điều chính ta từng trải qua ngoài đời thật.

The Perks of Being a Wallflower cũng đưa khán giả trở lại những ngày “xưa cũ tốt lành” của thập kỷ 1990. Đó là cái thời còn chưa có điện thoại, chưa có máy tính và mạng internet. Đó là cái thời thay vì ngồi nhà, cắm mặt vào laptop, bình luận Facebook của bạn bè thì người ta ra ngoài, kết nối với nhau một cách thực sự. Bộ phim cũng tràn ngập những bản nhạc xưa cũ của The Smiths, U2… đem tới một cảm giác hoài cổ.

Đây cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi của điện ảnh thế giới khi nhà văn trực tiếp làm đạo diễn (Một trường hợp khác tương tự là You’re the Apple of My Eye của Cửu Bả Đao). Stephen Chbosky xuất bản cuốn tiểu thuyết The Perks of Being a Wallflower vào năm 1999.

13 năm sau, chính ông chuyển thể cuốn sách của mình lên phim. Có lẽ vì vậy mà bộ phim khá trung thành với nguyên tác, giữ được tinh thần của tác phẩm gốc. Stephen Chbosky cũng tránh được nhiều lỗi mà một tác gia có thể bị mắc phải khi lần đầu làm phim như bị tham chi tiết, lạm dụng lời dẫn hoặc quá cứng nhắc theo sách vở. The Perks of Being a Wallflower không hoàn hảo nhưng nhỏ nhắn, dễ thương và tươi mới.

Trong dàn diễn viên chính, hiển nhiên người được giới truyền thông quan tâm nhất vẫn là Emma Watson. Đây là vai diễn quan trọng đầu tiên của cô sau loạt phim Harry Potter. Khán giả tò mò muốn biết một Emma không là phù thủy sẽ như thế nào, liệu cô có thể bước qua cái bóng quá lớn của nhân vật Hermione để tiếp tục thành công với sự nghiệp diễn xuất hay không.

Trong phim, cô thủ vai Sam, cô gái mà Charlie thầm yêu. Sam mặc áo bóng chày, móng tay sơn nhiều màu, tóc cắt ngắn, xinh xắn như một nàng tiên pixie và có nụ cười làm sáng bừng cả không gian xung quanh. Emma Watson đã có sự nỗ lực vượt bậc nhưng khán giả vẫn cảm thấy vai diễn của cô có chút gì đó gượng gạo, khiên cưỡng. Một phần lý do là bộ phim được kể từ điểm nhìn của Charlie và trong mắt một chàng trai đang yêu, Sam đã được lý tưởng hóa lên nhiều lần.

Logan Lerman có vẻ ngoài hoàn toàn phù hợp với nhân vật Charlie. Cậu có gương mặt thông minh, điển trai và có chút gì bẽn lẽn theo cách gây ấn tượng tốt với người khác ngay từ lần gặp đầu tiên. Những khán giả biết tới cậu qua loạt phim về Percy Jackson hẳn sẽ ngạc nhiên vì Logan có thể diễn khá trơn tru một vai diễn nội tâm và nhạy cảm như vậy.

Tuy nhiên, người thực sự tỏa sáng trong dàn diễn viên chính là Ezra Miller trong vai Patrick. Patrick đồng tính, màu mè rực rỡ, phóng khoáng mà yếu đuối. Mỗi lần xuất hiện, cậu đem lại sự sinh động, vui nhộn cho cảnh quay và khiến khán giả khó rời mắt ra được.

Bộ phim có những khoảng khắc tuyệt vời và đầy cảm xúc. Khán giả sẽ không thể quên được cảnh bộ ba lao xe qua đường hầm với bài hát Heroes của David Bowie được bật to hết cỡ. Sam đứng trên thùng xe, vạt váy bay phấp phới, dang rộng hai tay như thể cô đã mọc thêm đôi cánh. Xe lao lên cầu. Cả một thành phố nhấp nháy ánh sáng phía dưới, trông như một bầu trời sao lộn ngược. Chỉ một cảnh đó thôi cũng đủ khiến The Perks of Being a Wallflower trở thành một bộ phim đáng giá và xứng đáng được chiêm ngưỡng.

Giống như một lá thư gửi lại thời thanh xuân đã mất, The Perks of Being a Wallflower gợi lại những kỷ niệm ngọt ngào của những ngày đã qua. Bộ phim để lại dư vị là một niềm hy vọng ở tương lai, sự phấn chấn cần có của những người trẻ để tiếp tục chuyến hành trình rực rỡ vào thế giới của sự trưởng thành.

*Bài viết được đăng lần đầu trên VnExpress với bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội