Under the Skin đi tìm định nghĩa về Con Người

Under the Skin đi tìm định nghĩa về Con Người
Under the Skin: một bộ phim kỳ lạ của Scarlett Johansson.

Bộ phim đánh dấu lần đầu tiên “quả bom sex” Scarlett Johansson khỏa thân 100% hóa ra không “dễ nhằn” như nhiều người trông đợi. Với những khán giả thiếu kiên nhẫn hoặc không quen với dòng phim nghệ thuật, Under the Skin quả thực là một thử thách không mấy dễ chịu. Tuy vậy, đây vẫn là một trải nghiệm điện ảnh độc đáo mà những người yêu môn nghệ thuật thứ bảy không nên bỏ qua.

Khi người lạ cho đi nhờ xe

Scotland, những đêm mùa đông lạnh giá, sương mù dày đặc, thường có một người phụ nữ trẻ lái chiếc xe tải to, hay dừng lại hỏi đường những khách hộ hành đơn độc. Cô ta rất đẹp: da trắng, môi đỏ, tóc đen – một vẻ ngoài vừa giống Bạch Tuyết trong cổ tích, vừa giống ma cà rồng trong những câu chuyện kinh dị. Nếu phát hiện người ấy đang ở một mình, không có bạn bè hay họ hàng thân thích, cô ta thường để nghị cho đi nhờ xe. Những người đàn ông hiếm khi từ chối. Có lý do gì để nói không với một người phụ nữ hấp dẫn, thân thiện, luôn luôn nở nụ cười trên môi? Họ hăm hở trèo lên xe, háo hức trông đợi một đêm phiêu lưu đáng nhớ để có thể khoác lác với bạn bè trên bàn nhậu. Nhưng họ không bao giờ trở lại.

Scarlett Johasson đóng vai một phụ nữ ngoài hành tinh lái xe đi rình bắt con mồi.

Under the Skin là bộ phim khoa học viễn tưởng được đạo diễn Jonathan Glazer chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết siêu thực cùng tên của nhà văn Michel Farber. Bộ phim theo chân một người phụ nữ ngoài hành tinh (Scarlett Johansson) lang thang khắp đất nước Scotland để “săn” những người đàn ông đem về “làm thịt”. Tuy nhiên, phim không đi theo hướng gay cấn, kinh dị, cũng không có những màn chiến đấu kỹ xảo hoành tráng như cách các bộ phim hành động Hollywood thường khai thác. Under the Skin là câu chuyện về một người ngoài hành tinh khao khát được làm người. Đó là một tác phẩm điện ảnh tối giản, giàu tính thể nghiệm với những câu hỏi khắc khoải: “Ta là ai?” và “Làm người là như thế nào?”.

Ác mộng đẹp đẽ và ám ảnh

Under the Skin có tiết tấu chậm, kiệm lời thoại, sử dụng âm nhạc một cách tiết chế. Bộ phim sử dụng ba tông màu chủ đạo: trắng, đen và màu gỉ đồng. Thiên nhiên trong Under the Skin lạnh giá, xa cách và không thân thiện. Những khung hình xám xịt, bầu trời nhiều mây nặng nề, những rặng núi tuyết phủ, cảnh sóng vỗ dồn dập, sương mù bốc lên cuồn cuộn… Tất cả tạo cảm giác bất an, bức bối và nghẹt thở.

Bộ phim có những trường đoạn đẹp đến ma mị, đủ sức bám rễ rất sâu vào tâm trí khán giả. Đó là một khoảng không đen thẫm vô tận, phi vật thể, không đầu không cuối. Nhân vật của Scarlett Johansson từ từ trút bỏ xiêm y, bước lùi khoan thai về phía sau. Nạn nhân của cô chậm rãi tiến lên phía trước, hoàn toàn mê muội trước người đẹp. Mặt sàn bỗng chuyễn hóa thành một thứ chất lỏng đen kịt, mượt như nhung, dần nuốt chửng gã đàn ông khờ dại.

Ở một khía cạnh nào đó, Under the Skin có những nét gì gợi nhớ đến những bộ phim của Lars Von Trier, đặc biệt là phim Antichrist. Cả hai phim đều đặt bối cảnh ở những khu rừng tối tăm, ẩm mục với một nỗi sợ hãi vô hình lơ lửng trong không khí. Cũng giống như Antichrist, Under the Skin có những cảnh siêu thực, không thể thấy ngoài đời thật, mang một vẻ đẹp u ám của những cơn ác mộng.

Đạo diễn Jonathan Glazer sử dụng hiệu quả lối nói nửa chừng, ám chỉ. Phim có nhiều cảnh không hề mang tính chất bạo lực trực tiếp nhưng lại có khả năng khơi gợi những liên tưởng kinh hoàng. Đó là cảnh một đứa trẻ hai tuổi bị bỏ rơi trên bãi biển. Thủy triều dâng lên, ngày càng tiến sát đến vị trí của đứa bé. Người phụ nữ ngoài hành tinh chứng kiến nhưng quyết định quay lưng bỏ đi. Đằng sau cô là tiếng khóc ngặt nghẽo của đứa trẻ cùng tiếng vỗ ầm ầm của sóng biển như muốn nuốt chửng tất cả.

Nhạc nền của bộ phim khó chịu và ám ảnh như một cơn đau đầu dai dẳng. Không có gì ngạc nhiên khi bộ phim nhận được hàng loạt những đề cử  giải thưởng danh giá cho phần soạn nhạc của Mica Levi.

Những thông điệp “dưới bề mặt”

Under the Skin là một phim khoa học viễn tưởng rất khác so với những phim cùng thể loại mà khán giả từng được biết. Bộ phim đặt ra một giả thiết đáng sợ là người ngoài hành tinh sống lẫn với con người. Bề ngoài họ giống hệt chúng ta, không có cách nào để phân biệt được. Họ đã đến Trái Đất từ khi nào? Sứ mệnh của họ là gì? Họ có kỹ năng nào đặc biệt? Thay vào việc trả lời thẳng những câu hỏi, bộ phim đưa ra những lời gợi ý, buộc khán giả phải phát huy trí tưởng tượng để đọc được những thông điệp “dưới bề mặt”. Under the Skin là một sự đánh cược đầy tự tin của các nhà làm phim vào “con mắt xanh” của khán giả.

Nhân vật của Scarlett Johansson nhìn ngắm mình trong gương

Bộ phim khéo léo cài cắm những hình ảnh mang tính biểu tượng để người xem có thể suy luận. Suốt phim là hình ảnh nhân vật của Scarlett Johansson nhìn ngắm bản thân trong gương. Đầu tiên là chiếc gương ở xe tải giúp cô có thể tô son. Lần thứ hai là chiếc gương trong căn phòng kín, giúp cô có thể nhìn toàn bộ khuôn mặt. Cuối cùng, là một chiếc gương dài giúp cô có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cơ thể mình. Những cái gương là phép ẩn dụ cho quá trình tự nhận thức bản thân của người phụ nữ ngoài hành tinh. Từ một kẻ săn mồi được lập trình sẵn, dần dần cô đã phát triển hệ thống cảm xúc riêng, bắt đầu đặt câu hỏi về những việc mình làm, tò mò về thế giới con người.

Là một phim khoa học viễn tưởng với nhân vật chính là một ngoài hành tinh, tuy nhiên, Under the Skin không hướng trọng tâm về những sinh vật ngoài trái Đất. Suy cho cùng, đây vẫn là một bộ phim nói về con người, nói về khao khát cần được biết mình là ai, thuộc về đâu trong cuộc đời này. Không trả lời được những câu hỏi ấy, một cá nhân sẽ bị bối rối, lạc lõng, dẫn đến những kết cục diệt vong.

Vẻ đẹp ám ảnh của Scarlett Johansson trong phim

Dĩ nhiên không thể nói đến Under the Skin mà quên nhắc tới cái tên Scarlett Johansson. Cơ thể không còn đẹp như thời Match Point hay Vicky Cristina Barcelona; ngực bắt đầu bị chảy sệ, nhưng ở cô vẫn còn nét hấp dẫn của người phụ nữ tin vào sức hút của mình (người phụ nữ đẹp nhất là người phụ nữ tin rằng mình đẹp). Khác với những vai diễn thiếu nữ ngây thơ, thường bị đàn ông lợi dụng như ở thời kì đầu hay những vai siêu anh hùng trong giai đoạn gần đây; Under the Skin đánh dấu một sự trưởng thành của Scarlett Johansson với một vai diễn có chiều sâu tâm lý.

Bộ phim có tiết tấu rất chậm, sẽ là một thử thách với những khán giả thiếu kiên nhẫn. Đây là kiểu phim kích thích trí tưởng tượng của người xem, buộc họ phải đặt ra những giả thiết và muốn xem lại một lần nữa để kiểm tra. Như những vòi bạch tuộc cuốn chặt lấy tâm trí, bộ phim sẽ để lại những ám ảnh rất lâu trong lòng khán giả.

*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí Style năm 2014 với bút danh Anh Trâm.

Scarlett Johansson “chất” như rượu vang ủ kỹ
Hollywood không thiếu những mỹ nhân nổi tiếng, nhưng chỉ có một Scarlett Johansson. Dù hóa thân thành nàng thơ trong phim độc lập hay trở thành đả nữ trên màn ảnh rộng, cô luôn toát lên sức hút khó cưỡng—một vẻ đẹp pha trộn giữa vẻ ngây thơ nữ tính và thần thái đầy mê hoặc, khiến bao người say đắm.
Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội