Tưởng nhớ Amy Winehouse

Tưởng nhớ Amy Winehouse

Tháng 7 này, người hâm mộ nhớ đến Amy Winehouse, một ngôi sao băng vụt sáng trên bầu trời âm nhạc để rồi vĩnh viễn lụi tắt vào một mùa hè của 12 năm về trước.

Nữ hoàng u tối

“Tôi tự lừa dối chính mình/Tôi đã biết trước rằng sẽ như vậy/ Tôi đã bảo các người rằng tôi chỉ là rắc rối/ Các người cũng biết rằng tôi chẳng tốt đẹp gì”. Vào lúc làng nhạc quốc tế đang đầy rẫy những ca khúc thị trường với những ca từ sáo rỗng, Amy Winehouse xuất hiện với Back to Black như một sự chạy trốn những hào nhoáng bên ngoài và đối diện với phần tăm tối bên trong. Trong khi Beyoncé mải nhiếc móc người yêu trong Irreplacable, Justin Timberlake nói kháy tình cũ trong What Goes Around…, Come Around,…những sáng tác của Amy là tự sự của một tâm hồn cô độc và trượt dốc. Âm nhạc của cô dành cho những kẻ thất bại và lạc loài, không nơi bấu víu.

Tình yêu không thể cứu rỗi vì Love is A Losing Game, thức dậy trong đơn độc (Wake UP Alone), nước mắt sẽ tự hong khô (Tears Dry On Their Own). Amy cũng chối từ một cách mãnh liệt mọi sự giúp đỡ: “Họ tìm cách đưa tôi vào trại cai nghiện/Tôi nói: Không, không không” (Rehab). Cô nhấn chìm nỗi buồn, sự bất lực vào trong men rượu. Những ca từ luôn phảng phất men say, trong trạng thái ngật ngưỡng nửa mê, nửa tỉnh.

Amy Winehouse khác tất cả mọi người. Giọng hát không ngọt ngào, cao vút kiểu diva, cũng không bắt tai, vui nhộn, lạm dụng autotone như những ngôi sao thị trường. Lắng nghe giọng hát trầm khàn, hơi đùng đục của Amy, khán giả cảm nhận được một sự tàn lụi không thể ngăn chặn, một sự rữa nát từ bên trong, một sự bướng bỉnh bất cần đến cô độc.

Amy chưa bao giờ đẹp, (ít nhất theo chuẩn thông thường). Người cô gầy tong teo, xương xẩu nhô lên khỏi lớp quần áo. Mái tóc rối bù, bới lên như tổ chim, mắt kẻ đậm như Cleopatra, trên vai đầy hình xăm như lũ du thủ du thực. Cô vừa biểu diễn, vừa uống rượu, chửi khán giả như ranh, chân nam đá chân chiêu trên sân khấu. Gu thời trang của cô dị hợm, những chiếc váy cô mặc trông cũ nát và bèo nhèo như thể vừa được lôi ra ở một xó nhà nào đó.

Tất cả sự “chẳng giống ai” ấy phần nào đã mang lại danh tiếng cho Amy Winehouse. Cô là một “ca lạ” giữa giới showbiz hào nhoáng và chỉn chu. Nhưng lý do quan trọng nhất, Amy Winehouse thực sự tài năng. Trước khi Adele khuynh đảo mọi bảng xếp hạng, trước khi Lady Gaga chinh phục thế giới với gu thời trang kỳ quái và lối biểu diễn  lập dị của mình, thì đã có Amy Winehouse. Nếu không có sự mở đường của cô, những hậu bối như Adele, Duffy hay Lady Gaga sẽ phải chật vật hơn rất nhiều để vươn tới thành công hiện tại.

Nếu không có sự mở đường của Amy Winehouse, con đường của Adele hay Duffy khi chinh phục thị trường Mỹ sẽ chông gai hơn rất nhiều.

Đường đến vinh quang

Amy Winehouse sinh ngày 14/9/1983 tại London. Gia đình cô có nguồn gốc Do Thái. Cha là tài xế xe tải, mẹ là dược sĩ, tuy nhiên, các cậu của cô lại là những nghệ sĩ nhạc jazz chuyên nghiệp. Bà nội của cô cũng là ca sĩ và hồi trẻ đã từng hẹn hò với huyền thoại nhạc jazz Ronnie Scott. Chính bà cũng là người động viên Amy đi học tại Susi Earnshow Theatre School để luyện giọng.

Năm 2003, Amy Winehouse phát hành album đầu tiên mang tên Frank. Mang ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc jazz, hầu hết các ca khúc trong album được Amy đồng sáng tác. Frank nhận được những đánh giá tích cực từ giới phê bình. Ca khúc Stronger Than Me đem lại cho cô một giải Ivor Novello Award, một trong những giải thưởng danh giá nhất dành riêng cho giới nhạc sĩ. Album bán được hơn 1 triệu bản tại Anh quốc và được chứng nhận 3 lần Bạch kim. Tuy vậy, Amy vẫn không hài lòng. Cô cảm thấy bất mãn vì sản phẩm âm nhạc của mình đã bị các nhà sản xuất nhào nặn, bóp méo đến không nhận ra, chỉ để phù hợp hơn với thị trường.

Album thứ hai, Back to Black, được Amy sát sao, triệt để hơn. Nỗi buồn vì chuyện tan vỡ tình cảm với người chồng Blake, chứng trầm cảm kinh niên, những cơn nghiện rượu vật vã  đã khiến album, đúng như tên gọi, nhuốm một màu sắc tăm tối. Back to Black thắng 5 giải Grammy, bao gồm Thu âm của năm, Bài hát của năm, Trình diễn nhạc Pop nữ xuất sắc, Album nhạc Pop xuất sắc, Nghệ sĩ mới xuất sắc. Ở Anh, album tẩu tán được 3,5 triệu bản. Trên toàn thế giới, tổng số tiêu thụ của album là trên 20 triệu bản.

Sau những năm 2006, 2007 đỉnh cao, Amy Winehouse ngày càng trượt dài. Sự nổi tiếng chưa bao giờ phù hợp với một người tâm lý không vững như cô. Amy luôn xuất hiện trên báo với hình ảnh bê bối nghiện ngập. Và ngay khi Amy định đứng dậy làm lại từ đầu, bắt tay vào làm album mới thì cô đột tử tại nhà riêng vào ngày 23/7/2011. Album thứ 3 vĩnh viễn không được hoàn thành.

Thiên thần sa ngã

Ngay từ hồi bé, Amy đã có những dấu hiệu bất ổn tâm lý. Cha mẹ cô sớm đường ai nấy đi. Gia đình lý tán, cha có bạn gái mới, mẹ phải vất vả nuôi con. Tất cả điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của cô. Cô ngày càng trở nên bất cần, hỗn xược, nổi loạn. Ở tuổi 14, 15, Amy đã quyết định bỏ học, xăm mình, bấm khuyên môi. Cô thường tự lấy dao cắt vào da thịt mình và tìm nhiều cách để hành hạ bản thân.

Là người sống bản năng, lại thiếu ý chí, Amy trượt dài theo những cơn say. Cô nghiện ngập không thiếu một thứ gì: từ rượu, thuốc lá, chất gây nghiện, đến xăm mình. Không có một ai đủ sức mạnh để kéo cô dậy khỏi vũng bùn. Amy nhiều lần bày tỏ trên báo chí, cô cũng cảm thấy chán ghét chính mình, muốn sống khác đi. Cô liên tục cố gắng thay đổi bản thân và thất bại. Album Back to Black như một tuyên ngôn rất nhiều ngậm ngùi của Amy. Có những kiểu người sinh ra là để tàn lụi và để tự hủy hoại. Sự cô độc đã ngấm vào trong máu. Họ luôn chệch nhịp, không thể hòa điệu với thế giới xung quanh. Người ta có thể thích hay không thích Amy, nhưng cô không thể thay đổi bản chất của mình được.

Amy đã ra đi trong một đêm trút buồn vào rượu. Nhưng âm nhạc của cô vẫn còn ở lại, an ủi, vỗ về cho những tâm trạng ủ ê “khi tỉnh rượu lúc tàn canh”.

Nghe lại bản hit huyền thoại Back to Black của Amy Winehouse


*Bài viết được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Style năm 2015 với bút danh Anh Trâm và đã được update lại số liệu cho phù hợp với hiện tại.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội