#NHỮNG KẺ DÁM KHÁC BIỆT

#NHỮNG KẺ DÁM KHÁC BIỆT
Zunk đang say sưa bên các bức tường graffiti

Câu chuyện lãng mạn nhất không phải là chuyện tình yêu mà là chuyện những người dám theo đuổi đam mê. Dù đam mê ấy có thể bị định kiến xã hội cho là viển vông, nổi loạn và quá dị biệt.

Chuyên đề #Dám Khác Biệt này sẽ đem tới cho bạn ba câu chuyện về những người trẻ đã bền bỉ theo đuổi đam mê của mình. Đó là chuyện của một tattoo artist đã hô biến hàng trăm vết sẹo thành những hình xăm xinh đẹp. Đó là chuyện một chàng trai với khát vọng “truyền thống hóa” môn nghệ thuật đường phố graffiti. Đó là hành trình từ những chiếc khuyên tai đựng trong cốp xe đến một thương hiệu xỏ khuyên nổi tiếng tại Hà Nội.

Graffiti từng bị gán cho biệt danh “nghệ thuật tội lỗi”. Xăm hình và xỏ khuyên từng bị cho là hư hỏng, ngổ ngáo, bất cần. Liệu dư luận có quá khe khắt và đang hiểu sai về những môn nghệ thuật này? Và phải chăng, các nghệ sĩ theo đuổi các bộ môn này đang bị đánh giá thấp hơn thực tế khả năng và giá trị mà họ mang lại?

L’Officiel chọn cách truyền đạt lại những câu chuyện này không phải với mục đích trả lời những câu hỏi trên mà là với hy vọng gợi mở những suy nghĩ mới, những cách nhìn khác về các môn nghệ thuật độc đáo này.

Dzũng Zunk thổi hồn Việt vào graffiti

Đứng trước một mặt phẳng nào đó, con người thường có nhu cầu lấp đầy bằng những hình vẽ và ghi lại dấu ấn cá nhân của mình. Từ thuở hồng hoang, loài người đã học cách vẽ trên hang động. Một đứa trẻ, một cách tự nhiên, sẽ lấy phấn hoặc bút chì, nguệch ngoạc vài nét lên tường. Nói vậy để thấy rằng, graffiti không chỉ là một môn nghệ thuật đường phố của thời hiện đại mà có nguồn mạch sâu xa hàng ngàn năm lịch sử. Hãy cũng L’Officiel gặp Dzũng Zunk, một nghệ sĩ graffiti tiên phong tại Việt Nam và đang tìm cách “truyền thống hóa” bộ môn nghệ thuật đường phố này.

Zunk đã gắn bó với graffiti được 14 năm và là một nhân vật khá tiếng tăm trong cộng đồng đặc biệt này. Anh từng có triển lãm riêng được đánh giá cao và góp mặt trong nhiều ngày hội graffiti trên cả nước. Ngoài ra, anh đang điều hành một ấn bản mang tên Dunkare Magazine, chuyên về đời sống hip hop tại Việt Nam.

Trước khi gặp Zunk, tôi đã nghiền ngẫm khá kỹ facebook của anh, ấn tượng với ảnh đại diện là một con trăn đang choàng quanh cổ và những bức ảnh đeo mặt nạ phòng độc trông khá ngầu. Tôi hình dung Zunk là một chàng trai hầm hố, bất cẩn, đúng tính chất đường phố bụi phủi của văn hóa hip hop mà anh say mê. Thật bất ngờ, chàng trai tôi gặp có vẻ ngoài rất hiền lành, giọng nói từ tốn, chậm rãi và nụ cười tươi thân thiện. Thế mới biết, stereotype (khuôn mẫu) không phải lúc nào cũng đúng và không nên có một định kiến sẵn về bất cứ người nào, việc gì.

Zunk kể anh bắt đầu theo đuổi graffiti từ 2006 sau một lần đọc một bài giới thiệu văn hóa hip hop trên báo 2!.  Vốn thích vẽ từ nhỏ, anh ngay lập tức bị thu hút bởi môn nghệ thuật graffiti. Anh thấy nó gần gũi với mình, gợi nhớ về tuổi thơ nghịch ngợm thích dùng phấn vẽ bậy lên tường, trêu nhau giữa đám bạn. Nó cũng gợi nhớ về quê hương Hải Phòng, nơi có những con đường vừa xây xong, đã có người lấy vôi viết tên mình lên để chia ô bán hàng. Theo Zunk, graffiti xuất phát một cách tự nhiên trong con người mình, từ trong chính hoàn cảnh xã hội mà anh lớn lên.

Thời gian đầu, anh chủ yếu tham gia các diễn đàn trên mạng và tập tành thử nghiệm. Không có căn bản về hội họa, graffiti lúc đó với anh chỉ là một cách thể hiện cá tính rất bản năng. Sau đó, Zunk lên Hà Nội học, gặp gỡ tiếp xúc nhiều người hơn. Bước ngoặt là khi anh gặp một cậu sinh viên mỹ thuật người Đức sang Việt Nam tìm hiểu về sơn mài.  Zunk cho người bạn ấy về ở cùng gia đình mình 6 tháng và cả hai thường say sưa trao đổi, bàn luận về nghệ thuật. Anh và người bạn ấy thực hiện dự án Hanoi Urban Color  trên bức tường ngay cạnh sân bóng Long Biên. Vài năm sau, Hanoi Urban Color phần 2 được tiếp tục, lần này ở bên Đức, tại chính khuôn viên trường học mà người bạn ấy được giữ lại giảng dạy.

Văn hóa hip hop đề cao tính tự tôn, đại diện cho nơi mình sống, tổ chức của mình, băng nhóm của mình rất cao. Hồi đó, tôi cũng ý thức được rằng phải để lại cái gì để người ta biết mình là người Việt Nam vì chưa có nhiều người Việt Nam được vẽ ở Đức”. Tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, anh đặc biệt ấn tượng với các hoa văn trên trống đồng. Anh đã tìm cách đưa các hoa văn này vào tác phẩm graffiti của mình và nhận được nhiều phản ứng tích cực.

Kể từ đó, Zunk bắt đầu dành thời gian khám phá văn hóa bản địa. Những biểu tượng con lân, con nghê, chim lạc, chim phượng…dần xuất hiện lồng ghép trong các tác phẩm graffiti của Zunk. Lấy cảm hứng từ chữ Nôm, anh cũng tạo ra một phông chữ đặc biệt của riêng mình. Tính dân tộc đã trở thành một phần đặc trưng trong phong cách vẽ của anh và nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng. Điều này cũng giúp anh tự tin hơn khi giao lưu với bạn bè là nghệ sĩ graffiti khắp thế giới. Theo Zunk, một nghệ sĩ phải có chất riêng của mình thì mới giành được sự tôn trọng của các bạn bè đồng đạo

Zunk chia sẻ điều anh thích nhất ở graffiti là tính tư tưởng, truyền đi một thông điệp nào đó. Chính điều này làm nên sự khác biệt của một nghệ sĩ và một thợ vẽ. “Một bức tranh có thể rất đẹp, rất tỉ mỉ nhưng chưa chắc toát lên tính tư tưởng bằng một bức vẽ rất nguệch ngoạc. Mình làm nghệ thuật càng gần với bản chất con người mình thì nó càng có giá trị.”.

14 năm đồng hành cùng graffiti, Zunk chưa từng có ý định từ bỏ, dù có thời gian anh vẽ ít đi. Anh quan niệm, bây giờ mình không vẽ thì mai vẽ, hoặc sang năm vẽ, thậm chí vẽ đến cuối đời nếu có thể. Graffiti luôn có mặt trong tâm trí anh, mỗi khi bước chân ra đường. Graffiti có thể không đem lại cho anh nhiều lợi ích tiền bạc, nhưng nó tạo ra giá trị con người, giúp anh nói ra được tư tưởng của mình, dù đôi khi tư tưởng đó không phải là một cái gì đó quá cụ thể.

Graffiti ở Việt Nam phát triển theo đồ thị hình sin, có những khoảng thời gian từng chững lại hẳn. Những năm gần đây cộng đồng graffiti bắt đầu sôi động trở lại, thành lập những nhóm vài ngàn thành viên trên facebook. Là đàn anh đi trước, Zunk tổ chức nhiều cuộc thi để mọi người thể hiện khả năng. Đó thường là những cuộc thi trên giấy để nhiều người tham gia được và cũng là để hâm nóng, tạo sân chơi cho anh em giao lưu. “Có sân chơi để mọi người thể hiện, nhiệt huyết của lứa sau sẽ được giữ gìn hơn. Nếu không tạo ra sân chơi, không có định hướng thì sau này, các em sẽ bỏ dở đam mê  như một số bạn bè đồng trang lứa với tôi”.

Khác với quan điểm thường thấy, Zunk không cho graffiti là nghệ thuật tội lỗi. Nếu suy nghĩ như vậy, lúc nào đi vẽ cũng cảm giác mình là người mang tội. Zunk quan niệm, nếu mình làm đẹp từ tâm hồn tích cực của mình thì sẽ khác, tác phẩm cũng sẽ có chất lượng tốt hơn. Anh không ngại những dư luận trái chiều về graffiti bởi cho rằng nó là một phần của cuộc chơi. Chính những khó khăn trên con đường nghệ thuật mới làm nên một nghệ sĩ tài năng.

Ngọc Like "vá" lại những tổn thương

Được mệnh danh là “phù thủy xăm sẹo”, Ngọc Like đã biến hàng trăm vết sẹo xấu xí thành những hình xăm đẹp đẽ, đậm chất nghệ thuật. Nhờ cô, nhiều người đã thoát khỏi mặc cảm, trở nên tự tin hơn, được lần đầu trải nghiệm những điều giản dị đời thường mà trước đây họ không thể.

Gặp cô ở quán cà phê, trước tiên tôi phải khẳng định: Ngọc trông không có vẻ gì giống “phù thủy”! Vóc dáng mảnh mai, mái tóc xoăn nhẹ màu khói ấn tượng, gương mặt xinh xắn và nụ cười tươi, Ngọc có vẻ ngoài cá tính, hiện đại mà vẫn rất nữ tính. Cô nói chuyện hoạt bát, thông minh, có chính kiến riêng nhưng vẫn rất lịch sự lễ phép. Điều này liệu có hoàn toàn trái ngược với tưởng tượng của bạn khi nghĩ về một phụ nữ hành nghề thợ xăm?

Ngọc bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, bên cạnh thành tích học tập đáng nể, cô còn luôn là ngôi sao sáng về mỹ thuật của trường, lớp. Một điều thiệt thòi cho những học sinh có thiên hướng nghệ thuật như cô là trường cấp ba hoàn toàn không có môn nghệ thuật nào. Năng khiếu không có mấy dịp được thể hiện nhưng vẫn được Ngọc nuôi dưỡng, trau dồi trong âm thầm. Một ngày nọ, cô tình cờ phát hiện ra bạn lớp trưởng có một hình xăm nho nhỏ hình chuồn chuồn trên người. Cô thấy rất ấn tượng với hình xăm đó và bắt đầu tìm hiểu hơn về môn nghệ thuật này.

Khi cô đang học tại trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh, một người bạn thân rủ Ngọc “trải nghiệm một trường phái hội họa mới” đó là “họa bì”. Họ trải qua cũng những buổi chiều tập tành xăm thử chi chít lên miếng da giả và chiếc ghế salon làm bằng da. Cuối cùng Ngọc theo nghề còn cô bạn thân của cô thì không. “Nghề chọn người đấy chị. Cuộc đời sẽ đưa chị từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không bao giờ có thể hình dung ra được.

Ngọc rơm rớm nước mắt kể về biến cố trong gia đình, bố cô bất ngờ đổ bệnh và mất sức lao động. Từ một cô bé vô tư, luôn được chiều chuộng, Ngọc buộc phải tìm các trưởng thành nhanh hơn để trở thành trụ cột gia đình. Xăm hình từ một cuộc dạo chơi tuổi trẻ đã trở thành một nghề nghiệp chính thức giúp cô có tiền ăn học và phụ giúp bố mẹ.

Sợ bố mẹ buồn, Ngọc dốc toàn bộ sức lực để có thể cân bằng việc học ở trường và công việc xăm hình. Cô tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Thiết Kế Trang Phục Nghệ Thuật với điểm 10 tuyệt đối và hiện đang chuẩn bị bảo vệ luận án Thạc sĩ tại chính ngôi trường này. Bằng bản lĩnh kiên cường và những nỗ lực không ngừng nghỉ từng ngày, “Ngọc Like” cũng vươn lên, trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực xăm che sẹo tại Việt Nam.

Một tác phẩm xăm sẹo của Ngọc Like

Trong hành trình gắn bó với nghề xăm, Ngọc đã chứng kiến rất nhiều vết sẹo “không thể tưởng tượng được”, “chưa bao giờ nghĩ rằng đó là sự thật”. Có những vết sẹo do tai nạn, do sinh đẻ hoặc sinh ra đã có. Có những người phụ nữ vì có sẹo mà không dám mở lòng ra yêu ai hoặc đánh mất hạnh phúc trong hôn nhân. Có những người đàn ông chỉ mơ ước mùa hè được cởi trần cho mát mà cả cuộc đời không dám vì vết sẹo bỏng. Tùy theo từng vết sẹo cụ thể, Ngọc thiết kế hình xăm phù hợp. Đây là công việc đòi hỏi rất nhiều tỉ mẩn và cẩn trọng bởi vùng da sẹo thường đã bị biến dạng. Không chỉ đổi khác về màu, có những vết sẹo còn lồi hẳn lên hoặc lõm hẳn vào, mỏng dính, cảm tưởng chọc khẽ sẽ đứt.

Ngọc chia sẻ một trong những điều hạnh phúc nhất trong nghề là được chứng kiến khoảnh khắc hân hoan của khách hàng khi vết sẹo xấu xí đã biến thành một hình xăm xinh đẹp. Có những người đứng lặng trước gương xúc động, có người ngay lập tức gọi điện cho chồng con. Có những người cả đời từng sống trong tự ti, giờ đã có thể diện bikini hai mảnh. Mẹ Ngọc thường bảo con gái “Con vừa làm một việc tốt đấy” và Ngọc lại sung sướng quên đi những cơn đau lưng vẫn thường hành hạ mình.

Nghề xăm cũng giống như bác sĩ phẫu thuật vậy, sai một li đi một dặm, luôn phải thật chính xác, tập trung cao độ và nhất định không được phép nói lời xin lỗi. Công việc này đòi hỏi sức khoẻ dẻo dai, tâm lý ổn định, độ kiên nhẫn cao, vì vậy việc bị stress là không thể tránh khỏi. Hơn nữa do tư thế làm việc cũng rất dễ bị thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, run tay…” – Ngọc bộc bạch.

Khác với định kiến của nhiều người cho rằng nghề xăm là nghề “lông bông”, “vớ vẩn”, nghề xăm thực sự đòi hỏi rất nhiều phẩm chất. Bạn cần phải có năng khiếu về mỹ thuật, hội họa, phải có sự khéo léo của đôi bàn tay, tinh thần thép và sự kiên nhẫn tỉ mỉ. Bên cạnh đó, bạn cần phải có bằng cấp, chứng chỉ được Nhà nước công nhận như: Chứng chỉ sơ cấp phun xăm thẩm mỹ/ xăm hình nghệ thuật, chứng chỉ Y Tế phòng chống lây nhiễm qua đường máu và sinh dịch học của trường Trung Cấp Y Tế TW trực thuộc Bộ Lao Động Và Thương Binh Xã Hội.

Nghệ sĩ xăm hình đa phần đều là những người rất cầu toàn, tỉ mỉ, sâu lắng trong cả công việc lẫn cuộc sống. Họ thường có lối sống lành mạnh, nói không với rượu bia và chất kích thích để tinh thần luôn tỉnh táo.  Nghề xăm cũng đòi hỏi nghệ nhân phải liên tục nghiên cứu, tìm tòi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp bởi chỉ cần ngưng tư duy, ngưng phát triển đồng nghĩa với thụt lùi.

Gần 10 năm bền bỉ theo nghề, Ngọc tâm sự cô nhận được nhiều thứ nhưng cũng đánh mất nhiều thứ. Cô từng đánh mất đi tình yêu, từng bị bạn bè quay lưng, từng gặp phải nhiều sự phản đối  và những lời nói gây tổn thương sâu sắc. Có những lúc vì áp lực công việc cũng như sức khỏe đi xuống, Ngọc từng có ý định bỏ cuộc. Nhưng rồi sự động viên của mẹ cùng với việc chứng kiến niềm hạnh phúc mà công việc của cô mang lại cho những người mặc cảm tự tin vì sẹo, Ngọc lại vững vàng đi tiếp. Dù vẫn độc thân khi đã ngấp nghé tuổi 30, Ngọc vẫn thấy hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình. Nghề xăm đã mang lại cho Ngọc tất cả những điều cô muốn: một cuộc sống đầy đủ, độc lập, tự do, bình yên và ngay thẳng. Điều đó nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật và tâm hồn của cô lạc quan, tươi trẻ hơn mỗi ngày.

CEO Cockstock : Chuyên nghiệp hóa ngành xỏ khuyên

Cộng đồng mê xỏ khuyên Hà Nội không xa lạ gì cái tên Cockstock. Nếu một ngày bỗng dưng bạn muốn có khuyên tai, khuyên mũi hay khuyên rốn, Cockstock sẽ là một trong những địa chỉ đầu tiên mà bạn cân nhắc. Hãy cùng L’Officiel Vietnam gặp Trần Duy Cương, người sáng lập và giám đốc điều hành thương hiệu nổi tiếng này.

Cương không phải là một piercing artist (nghệ sĩ xỏ khuyên). Anh là một người làm kinh doanh.

Hơn 7 năm trước, chàng trai 20 tuổi bắt đầu công việc làm thêm tại một cửa hàng thời trang. Cương nhận thấy rằng nhu cầu về khuyên rất cao nhưng gian hàng khuyên tai của cửa hàng đó lại rất nhỏ, ít mẫu mã, ít khi nhập hàng mới. Biết rằng đó là cơ hội, Cương bắt đầu tìm hiểu thông tin và học hỏi cách kinh doanh sản phẩm này. Ban đầu, những mẫu khuyên với số lượng nhỏ được Cương đặt trong cốp xe, cùng anh vi vu khắp các phố phường Hà Nội để mang đến tận nơi cho khách. Sau đó, anh bắt đầu kết hợp với các nghệ sĩ xỏ khuyên để cung cấp dịch vụ cho mọi người.

Cách đây 6,7 năm trước, khái niệm “xỏ khuyên” vẫn chưa được nhiều người biết đến vì đa số vẫn chỉ bấm lỗ tai. Cương học hỏi về công việc này qua những người thợ xỏ hợp tác với mình, sau đó lên mạng đọc và xem rất nhiều. Cương tham khảo từ các clip trên youtube, từ những thương hiệu nổi tiếng về dịch vụ này trên thế giới. Sau đó, để chuyên sâu hơn, Cương đặt mua sách và giáo trình nước ngoài về để học.

Quá trình học hỏi vẫn chưa dừng lại. Tới bây giờ, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm và học hỏi thêm, để có thể cập nhật những phương pháp an toàn, đẹp và mới nhất về dịch vụ này trên thế giới.” – Cương cho biết.

Trước nay, mọi người vẫn thường định kiến, việc đeo khuyên mũi hay khuyên rốn có một chút gì đó lông bông, bụi bặm, underground, chỉ dành cho những bạn cá tính mạnh, thích nổi loạn. Xỏ khuyên cũng không được coi là một “nghề” chỉ là một thú chơi, một tài vặt hay trải nghiệm của tuổi trẻ. Cương hiểu điều đó và quyết tâm xây dựng thêm một cái nhìn mới về ngành này.

Tôi muốn các bạn nhìn vào Cockstock sẽ thấy đây là một ngành làm đẹp phổ thông, dễ tiếp cận. Trẻ nhỏ, học sinh, người lớn hay thậm chí các bác đứng tuổi đều có thể làm được. Xỏ khuyên là dịch vụ tinh tế, gọn gàng và cực kỳ an toàn vì được thực hiện bởi các bạn thợ lành nghề, được chăm sóc bởi các nhân viên y tế có bằng cấp và chuyên môn” – Cương chia sẻ.

Ảnh: Cockstock

Nguyện vọng đó phần nào đã thành hiện thực. Sau cơ sở đầu tiên tại Cao Bá Quát, Cockstock có thêm cơ sở mới tại Tam Khương, quận Đống Đa, Hà Nội. Địa điểm mới có không gian sạch sẽ, thoáng đãng, tường được ốp gỗ và thoang thoảng mùi tinh dầu dịu nhé, gợi nhớ đến các spa. Các phòng xỏ ở đây được khép kín, đề cao sự riêng tư, giúp khách hàng thoải mái và có trải nghiệm tốt hơn.

Cương cũng xây dựng một quy trình xỏ chuyên nghiệp. Trước khi xỏ khuyên, dụng cụ xỏ được làm sạch bằng máy khử trùng. Thợ xỏ sử dụng kim y tế dùng một lần để đảm bảo sự an toàn cho khách. Trong suốt quá trình xỏ, người thợ đeo khẩu trang và găng tay y tế chuyên nghiệp.

Bản thân người viết bài này cũng từng trải nghiệm xỏ khuyên tai ở Cockstock cách đây 3 năm trước. Sau 2 lần xỏ khuyên không thành công, vết xỏ bị mưng mủ buộc phải tháo ra, tôi quyết định “quá tam ba bận” tại Cockstock. Tôi vẫn ấn tượng bạn thợ xỏ vui tính, vừa động viên khách, vừa thao tác rất nhanh lẹ. Đến bây giờ, tôi có thể thoải mái “trưng diện” những mẫu hoa tai xinh xắn từ lỗ xỏ tại Cockstock ngày nào.

Quy trình chuyên nghiệp hóa còn bao gồm cả chế độ bảo hành lỗ xỏ. Bởi nói gì thì nói, xỏ khuyên vẫn là một môn body art khá đau đớn, dễ biến chứng, cần nhiều sự kiêng khem, chăm sóc. Thời gian lành lỗ xỏ ở dái tai khoảng từ 6 đến 8 tuần trong khi ở rốn cần từ 4 tháng tới 1 năm. Bạn cần kiêng các thực phẩm như trứng gà, thịt bò, gạo nếp, ngoài ra cần tránh vận động mạnh.

Để tránh những rủi ro trong kinh doanh, Cương tuyển dụng thêm những người bạn đồng hành có bằng cấp về y tế. Nếu khách hàng gặp bất cứ vấn đề gì về lỗ xỏ, Cockstock đều có thể kiểm tra và tư vấn tận tình.

Nghề xỏ khuyên là một trong những nghề chưa phổ biến và ít được công nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi nhiều phẩm chất như hiểu biết về y tế, sự khéo léo của đôi tay, lòng gan dạ và sự dũng cảm vượt qua định kiến xã hội. Những môi trường chuyên nghiệp như Cockstock tạo cơ hội cho các thợ xỏ khuyên có thể sống được bằng nghề và phát huy hết  khả năng của mình. Cương chia sẻ, anh lựa chọn nhân sự khá kỹ và thường tìm kiếm các bạn trẻ thực sự có niềm đam mê, có trách nhiệm với công việc.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và nhân sự, Cương khá chú ý đến việc quảng bá truyền thông. Bản thân anh cũng là người kín tiếng, facebook cũng ít khi update và chính tôi cũng phải mất nhiều thời gian dò hỏi mới biết CEO của Cockstock là ai. Tuy vậy website và fanpage của Cockstock lại rất được đầu tư với nhiều thông tin, hình ảnh hấp dẫn. Những bài viết mang tính phổ biến kiến thức về nghệ thuật xỏ khuyên nói chung được đăng tải khá đều đặn. Thông tin cụ thể về các thợ xỏ với các bộ ảnh chuyên nghiệp, đồ họa hấp dẫn cũng được cập nhật thường xuyên. Tất cả tạo một cảm giác khá yên tâm cho những người mới làm quen với thú chơi này.

Đặc biệt Cockstock cũng thường xuyên tổ chức những chiến dịch truyền thông như “Tự tin là chính mình” hay “Hãy để bố mẹ có cơ hội lắng nghe bạn”. Trong những chiến dịch này, mọi người có cơ hội bày tỏ quan điểm sống, lý do tại sao họ lại yêu thích chuyện xỏ khuyên, và cả chuyện các bạn trẻ đã thuyết phục bố mẹ mình chấp nhận những lỗ xỏ như thế nào. Bằng cách “chuyên nghiệp hóa” một ngành đặc thù, Cương hy vọng có thể truyền cảm hứng và đem tới cái nhìn tích cực, văn minh hơn về xỏ khuyên.

*Bài viết đăng lần đầu trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 6/2020 với bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội