Hà Lê: "Underground là nơi tôi sinh ra nhưng Mainstream là tôi muốn đến"

Hà Lê: "Underground là nơi tôi sinh ra nhưng Mainstream là tôi muốn đến"
Hà Lê: "Âm nhạc là niềm đam mê đầu tiên và lớn nhất của tôi".

Hà Lê bảo anh không tin vào định mệnh nhưng anh tin vào sự lựa chọn. Lựa chọn remake lại nhạc Trịnh theo phong cách đương đại giúp anh thể hiện màu sắc và cá tính âm nhạc của mình rõ nhất. Album Ở Trọ vừa được phát hành cách đây hơn 1 tháng đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ khán giả và giới phê bình, phần nào khẳng định rằng anh đang đi đúng hướng…

Khởi điểm là một vũ công, một biên đạo, sau đó là một rapper, và bây giờ là một ca sĩ. Hà Lê có vẻ không phải là một người chịu ngồi yên một chỗ mà luôn thích thử thách với những cái mới?

Ca  hát là đam mê đầu tiên và lớn nhất của tôi. Hồi cấp hai, tôi từng lập một nhóm nhạc chuyên cover Backstreet Boys. Hồi sang Anh, tôi cũng đi casting hát hò cho vài nhóm nhạc nhưng không được. Cuối cùng trong một lần casting nhảy, tôi lại được chọn, vậy là theo nhảy. Lúc đó tôi nghĩ, ok, giờ thì chưa hát được, mình sẽ phải chờ đợi một cơ hội sau này.

Tôi học nhảy, học chuyên sâu về biên đạo và có một chút thành tựu bên Anh. Sau đó, tôi về nước, thành lập một nhóm nhảy ngoài Hà Nội và đi khắp Việt Nam tổ chức workshop. Mấy năm nhảy nhót thì tôi chuyển sang rap, vì nghĩ mình đã ba mươi tuổi rồi, không hát thì chắc già mất, chết mất. Tôi chạy qua trường anh Thanh Bùi học thêm về thanh nhạc, rồi tham gia chương trình Tôi Là Người Chiến Thắng. Dù chỉ dừng chân ở bán kết nhưng cũng là cho mọi người thấy ông Hà có giọng hát ra gì phết. Tôi toàn tâm toàn ý với âm nhạc từ đấy.

Hà Lê: "Underground là nơi tôi sinh ra nhưng Mainstream là tôi muốn đến"

Một Hà Lê từng nổi danh trong giới underground và một Hà Lê - nghệ sĩ độc quyền của Sony Music có gì khác biệt?

Underground là nơi tôi sinh ra nhưng Mainstream là tôi muốn đến. Đây là nơi tôi được làm nghệ thuật của mình, được trả công xứng đáng và được phát triển sự nghiệp. Underground là nơi các bạn làm việc tự phát theo cảm hứng. Mainstream là nơi chuyên nghiệp, nơi công ty giao deadline là bạn phải thực hiện, nơi sự sáng tạo phải được rèn luyện hàng ngày. Tất cả đổi lại là một thị trường nơi sản phẩm của bạn được bán và trao đổi. Bạn được làm cái mình đam mê, hàng ngày, cho đến hết cuộc đời.

Tôi đã từng đi làm rất nhiều nghề khác nhau để phục vụ cho đam mê của mình. Đến một ngày tôi quyết định thà tập trung hết cho sự nghiệp, khổ một tí cũng được nhưng mình không bao giờ bị mệt mỏi. Chứ công việc ở đây làm bạn mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần thì làm gì còn sức để mà cống hiến cho đam mê nữa.

Dự án Trịnh Contemporary của anh nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình. Tại sao anh lại quyết định làm mới nhạc Trịnh để bị mang tiếng “bình mới rượu cũ” mà không sáng tạo ra một thứ hoàn toàn mới?

Lý do là vì tôi không tìm được ai sáng tác cho tôi theo màu sắc âm nhạc mà tôi muốn. Khi tôi bắt đầu đi hát, tôi biết rất rõ mình muốn trở thành kiểu nghệ sĩ như thế nào, bài hát phải có thông điệp ra sao. Tôi có đích rất cụ thể nên cứ thế đi.

Tôi chọn nhạc Trịnh vì đó là thứ tôi có thể sáng tạo được nhiều nhất. Đây cũng là việc rất thách thức vì nó đã có một cái khung sẵn, mình phải làm thêm để làm sao nó hay hơn chứ không thể dở hơn được. Nhạc Trịnh cũng là một màu sắc âm nhạc mà tôi thấy kết nối, gần gũi với con người mình. Về lâu dài, bạn yên tâm, tôi vẫn sẽ có bài hát mới. Nó đã được lên kế hoạch, bây giờ cần thực hiện theo từng bước. Hai năm nay tôi cũng cố gắng trau dồi phát triển kỹ năng viết của mình để có thể kết hợp với người nào đó cùng sáng tác nhạc.

Hà Lê: "tôi biết rất rõ mình muốn trở thành kiểu nghệ sĩ như thế nào"

Trịnh Contemporary nghĩa là nhạc Trịnh được làm mới theo hướng đương đại. Vậy khi tìm hiểu về nhạc Trịnh, anh thấy nhạc Trịnh tự thân có chất hiện đại không?

Tôi nghĩ những thông điệp trong nhạc Trịnh, thời nào cũng áp dụng được. Tình yêu thì dù năm 2050, cũng vẫn những cảm xúc ấy, chia tay nhau vẫn buồn như vậy. Nhạc Trịnh sẽ giúp chúng ta trở nên thơ hơn. Các kĩ thuật của Trịnh Công Sơn như từ láy, ẩn dụ, so sánh, ví làm lời ca có trọng lượng hơn rất nhiều. Thời đại bây giờ quen nói thẳng, nói thật, đúng ngay vấn đề làm cái chất lãng mạn bị mai một đi. Nếu mình đem nhạc Trịnh trở lại, trong không gian âm nhạc như bây giờ thì có phải các bạn có thêm một lối để viết, một cách để sáng tác không?

Nhạc Trịnh khá âm tính và cũng thường được thể hiện thành công nhất bởi các nữ ca sĩ. Một người nam tính như Hà Lê sẽ xử lý nhạc Trịnh như thế nào?

Suốt cuộc đời, Trịnh Công Sơn dành tình cảm rất lớn cho phụ nữ. Bác rất yêu và tôn trọng mẹ. Mẹ bác cũng là người góp ý, chỉnh sửa ca từ cho bác. Bác còn có 5 cô em gái và họ là những người đầu tiên hát nhạc Trịnh thành công. Cuộc đời bác có rất nhiều bóng hồng và họ là cảm hứng để bác sáng tác nhạc. Vì thế việc tìm các giọng ca nữ thể hiện âm nhạc của bác cũng là một điều xảy ra rất tự nhiên chứ không toan tính trước.

Nhưng nếu đọc lời bài hát, ta thấy chất dương tính rất rõ rệt, rõ ràng đây là tình yêu của một người nam dành cho người nữ. Cái tôi muốn làm là tìm sự cân bằng trong cách thể hiện. Mình vẫn phải có sự mạnh mẽ, nội lực của người nam nhưng vẫn phải có sự êm ả, lãng mạn, bao dung trìu mến trong câu hát. May tôi là Thiên Bình nên mọi thứ cũng cứ là ok. (cười)

Tôi rất hứng thú với ý định đưa nhạc Trịnh lên sân khấu nhạc kịch của anh. Trên thế giới, người ta đã mang nhạc ABBA lên musical, mang nhạc Beatles lên phim musical…Trong khi chúng ta thì có một người có câu chuyện hay như thế, một kho tàng âm nhạc đồ sộ như thế, không có một tác phẩm musical riêng thì thật uổng phí. Anh định làm gì để hiện thực hóa ý tưởng đó?

Nhạc kịch là đẳng cấp cao nhất của nghệ thuật biểu diễn nhưng ở Việt Nam vẫn là một thứ quá mới. Thế nên chúng ta cần thời gian. Chúng ta phải bắt đầu bằng công tác đào tạo, tạo nguồn, xây dựng nền tảng thật vững chắc. Nhạc kịch cũng cần production lớn và muốn kêu gọi tài trợ thì bản thân demo phải tốt. Để có demo thì bạn phải có kịch bản, phải casting diễn viên, dạy họ cách hát, cách múa, cách hát và múa cùng lúc và cả cách thoại nữa. Bạn cần những nghệ sĩ có thể làm hết những việc đó và làm live, mỗi tối, trong vòng 6 tháng…Tất nhiên tôi đã có kế hoạch cho mình nhưng thôi sợ nói trước bước không qua. Nhưng đó là thứ chắc chắn tôi phải làm trong đời.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

*Bài viết đã đăng trên tạp chí L'Officiel Vietnam sốtháng 7, 2020 với bút danh Anh Trâm

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội