JVevermind: Hiện tượng vlog Việt đời đầu

JVevermind: Hiện tượng vlog Việt đời đầu
JVevermind: "Người khác thấy khó khăn, tôi thì thấy cơ hội",

Giới trẻ không xa lạ gì cái tên JVevermind. Cuối năm 2011, JVevermind nổi lên như một hiện tượng youtube với những vlog thú vị và hấp dẫn. Anh duy trì phong độ và trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận được nút vàng youtube với hơn 1,5 triệu lượt theo dõi.

Miếng bánh mang tên youtube

Trái với vẻ hoạt ngôn và kiểu hài hước hơi “bậy bậy” trên vlog, Việt (tên thật của JV) gần gũi và nhỏ nhẹ hơn tôi tưởng. Gặp Việt những ngày cuối đông tại Hà Nội, cậu mặc một chiếc áo len chui cổ, tóc vuốt keo, dáng đi hơi cúi người về phía trước (có lẽ do quá cao). Việt nói nhỏ, hay cười, hơi bẽn lẽn, ngại ngùng. Cái sự bối rối ấy cùng dáng vẻ thư sinh đã tạo nên nét duyên ngầm ở chàng vlogger nổi tiếng nhất Việt Nam.

Vlog là viết tắt của video blog, hiểu nôm na là một dạng nhật kí, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về một vấn đề nào đó trong xã hội dưới dạng video clip.  Trào lưu vlog bắt đầu manh nha ở Mỹ từ những năm 2007, 2008. Giới trẻ Việt Nam bắt đầu nhập cuộc từ năm 2011. Trong khi nhiều người coi vlog là một thứ để giải trí, xả stress thì chàng thanh niên 19 tuổi lúc đó đã nhìn thấy đây là một cơ hội. Việt xác định ngay từ đầu là phải đi đường dài và tầm quan trọng của sự ổn định. Trong hơn 6 tháng đầu tiên, cậu đều đặn ra vlog hàng tuần. Lượng view tăng từ từ: 1.000, 10.000, rồi đến 20.000 view. “Trong kinh doanh cái ý tưởng chỉ chiếm 1% còn quá trình thực hiện chiếm 99% còn lại. Quan trọng nhất là sự kiên trì” – Việt chia sẻ.

Công chúng thích những vlog của Việt vì Việt không “gồng”, không cố gắng trở thành con ngoan trò giỏi và thích dạy đời người khác. Văn hóa phương Đông vẫn thích “đẹp khoe, xấu che” còn Việt thì ngược lại. Những vlog của cậu hài hước, tự giễu chính mình, mang lại cảm giác đời thường, gần gũi. Giới trẻ đặc biệt là học sinh sinh viên thích Việt vì những chuyện Việt nói họ gặp thường ngày nhưng không thấy TV, báo đài nào nói cả. Đến khi lượng view của kênh JVevermind chạm ngưỡng 400.000 thì youtube bắt đầu chủ động tìm đến Việt.

"Trong năm đầu tiên làm vlog, tôi đã hoàn toàn không có thu nhập hoặc nguồn thu nào" - JVevermind/ Ảnh: NVCC

Thành công không đến sau một đêm

Có một thời gian dài Việt sống trong cảnh “có tiếng mà không có miếng”. Thiên hạ đồn đại youtube trả Việt hàng ngàn USD một tháng nhờ lượng view khủng. Việt thẳng thắn chia sẻ: “Số tiền youtube đem lại không nhiều đến mọi người tưởng và không xứng với thành quả view, subcriber mà kênh mang lại”. Cậu bắt đầu tìm cách khác để “có miếng” như thiên hạ đồn.

Ở thời điểm 2012, viral marketting vẫn là một khái niệm lạ lẫm thì Việt đã nghĩ đến việc bán quảng cáo. Cậu chủ động tìm đến các brand agency để mời chào. Có người tiếp đón, có người từ chối. Cuối cùng ở vlog thứ 20, cậu bán quảng cáo đầu tiên với giá “siêu rẻ”: 3 triệu VND. Việt nhớ lại: “Hồi ấy xác định, giá nào cũng phải bán để ít nhất các nhãn hàng bắt đầu làm quen với khái niệm viral marketting đã”.

Sự nỗ lực của Việt đem đến cho cậu một nguồn thu ổn định đủ để sống được. Khi tôi tò mò hỏi: Liệu thu nhập của Việt có đến hàng trăm ngàn USD như mọi người đồn? Việt nói ngay: “không đến mức ấy”. Khi con số giảm xuống vài chục ngàn USD thì Việt chỉ cười. “Nhiều người nói tôi thành công nhờ may mắn nhưng nói thật yếu tố may mắn là rất nhỏ. Nó là một thành quả của sự nỗ lực mà ít người nhìn thấy. Trong năm đầu tiên làm vlog, tôi đã hoàn toàn không có thu nhập hoặc nguồn thu nào” – JVevermind nhớ lại.

“Người khác thấy khó khăn, tôi thì thấy cơ hội”

Thời gian này Việt ít làm vlog hơn và bắt đầu tập trung vào việc sản xuất với vai trò đạo diễn “behind the scene”. Vlog đã giúp cậu tạo dựng thương hiệu cá nhân và trong thế giới online, cậu đã đạt được một vị trí nhất định. Với Việt, như thế vẫn chưa đủ. Cậu muốn bước ra khỏi thế giới ảo và khẳng định bản thân mình trong “thế giới offline”. Gần đây Việt đầu nghĩ đến việc quay trở lại Mỹ học làm phim.

Phim chiếu rạp là con đường tôi muốn đi. Điện ảnh ở Việt Nam bắt đầu có thị trường, việc làm phim bắt đầu tạo lợi nhuận. Mặt bằng điện ảnh Việt Nam cũng còn thấp so với mặt bằng thế giới. Cơ hội rất rõ ràng”.

Cuộc trò chuyện thú vị hơn hẳn khi Việt nhắc đến điện ảnh. Việt chia sẻ đạo diễn ưa thích của cậu là: James Cameron, Zack Snyder, Wes Anderson,  David Fincher, Michael Bay. Cậu xem được nhiều thể loại từ phim tình cảm: Eternal Sunshine of of the Spotless Mind, 500 Days of Summer…đến những phim thuộc loại khó xem như Oldboy, 12 Angry Men… Việt muốn tương lai có thể làm ra những bộ phim giải trí không quá đánh đố người xem nhưng phải thật sự chất lượng.

Trong khi chúng tôi trò chuyện, một vài bạn nữ nhận ra Việt và xin chụp ảnh cùng. Tôi hỏi: Việt đã bắt đầu quen với sự nổi tiếng chưa và điều này có khiến Việt rơi vào cái bẫy sống ảo như cậu từng chỉ ra trong một vlog không? Việt kể: “Thời gian đầu mới về, tôi cũng bị ngợp. Ồ mình cũng nổi tiếng đấy chứ, mình cũng thế nọ, mình cũng thế chai. Nhưng rất ngắn thôi. Có lẽ là do lối sống của tôi hồi còn ở bên kia. Tôi ít đọc giải trí Việt Nam và chỉ xem show, đọc báo nước ngoài. Dần dần tôi nhận ra mình chả là cái đ*ch gì. Thế giới có quá nhiều người giỏi hơn mình”.

Việt vẫn vậy, hơi bậy bậy, không câu nệ, tài năng, tham vọng nhưng vẫn rất nhún nhường, biết mình biết ta. Một người như vậy sẽ còn tạo được nhiều bất ngờ trong tương lai.

*Bài viết đã đăng trên tạp chí Style năm 2016 với bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội