NAG Trần Tuấn Việt: "Tôi là người quê, chụp ảnh quê, kể chuyện quê"

Trần Tuấn Việt là một nhiếp ảnh gia danh tiếng, với hơn 45 tác phẩm được đăng tải trên các nền tảng của National Geographic. Anh từng giành Huy chương Vàng tại cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế Việt Nam 2017, đoạt giải nhất hạng mục Ảnh Du lịch tại cuộc thi danh giá Smithsonian năm 2018, và năm 2019, anh góp mặt trong dự án ảnh Việt Nam của Google Arts & Culture.
Như một sự sắp đặt của số phận, cái tên "Tuấn Việt" của anh cũng mang ý nghĩa về một Việt Nam tươi đẹp. Các sáng tác của anh luôn hướng về quê hương, đất nước, con người, với hình ảnh chủ đạo là những người lao động bình dị, chân chất, giàu nghị lực. Qua ống kính của Việt, bạn bè quốc tế có cơ hội chiêm ngưỡng một Việt Nam thanh bình, nên thơ, và đầy sức sống—một điểm đến mà bất cứ ai cũng nên một lần ghé thăm.
Những bức ảnh biết nói
Những bức ảnh của anh thường là sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên chứ không phải là sự đối chọi gay gắt. Trong đó, con người là đối tượng trung tâm, được nuôi dưỡng bao bọc bởi thiên nhiên. Các tác phẩm của anh cũng thường có nội dung hướng đến những gì tích cực hơn là phản ánh hoặc phô bày những gì tiêu cực. Tất cả chỉ là sự trùng hợp vô tình hay anh đã có định hướng riêng của mình khi cầm máy?
Đây là chủ đề xuyên suốt từ ngày đầu cầm máy của Việt. Mình chỉ khai thác mảng hình ảnh kể chuyện, chỉ chụp ở Việt Nam, và 99% ảnh mình chụp là những bức ảnh có xuất hiện yếu tố con người. Ở đó, con người là nhân vật trung tâm, là điểm nhấn, hoặc là chủ thể của bức ảnh. Hầu hết trong các bức ảnh là người dân lao động, người già hoặc trẻ em, đặc biệt là những người nông dân và nghệ nhân nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Và quan trọng nhất, đằng sau mỗi bức ảnh đều truyền tải một câu chuyện thú vị.

Trong một lần sáng tác, hẳn anh chụp rất nhiều ảnh. Tấm ảnh như thế nào sẽ khiến anh ưng ý và lựa chọn?
Thường Việt sẽ chụp theo cảm hứng. Có những lúc chụp rất nhiều do bị cuốn theo nhân vật. Có những lúc thì chụp rất ít, và dừng lại khi cảm nhận được bức ảnh mình chụp đã ổn. Ví dụ ảnh “Làm hương” nổi tiếng nhất của Việt là một trong những buổi chụp ngắn nhất, chỉ với 169 bức ảnh. Bức ảnh Việt lựa chọn chính là bức ảnh chụp cuối cùng trong buổi hôm đó. Ảnh “Thiên nga” cũng vậy, cả buổi chụp được chính xác là 81 bức ảnh, nhưng chỉ dùng được 1 tấm duy nhất. “Thiên nga” sau đó giành được Huy Chương Vàng trong cuộc thi Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Quốc Tế lần 9 tại Việt Nam năm 2017, cũng như giúp Việt đoạt được giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc cấp quốc gia cùng năm.
Trong các tác phẩm của anh, nhân vật đều trong trạng thái chuyển động. Vậy làm thế nào để “bắt” được một khoảnh khắc xuất thần?
Đa số với NAG có kinh nghiệm, sẽ “đoán” và “chờ” được khoảnh khắc chuẩn xác để bấm máy. Ví dụ với các nhân vật chuyển động liên tục rất nhanh, NAG thường sẽ tưởng tượng ra nhân vật trong khuôn hình máy ảnh, sau đó thiết lập thông số, bố cục sẵn và chờ nhân vật đi vào vị trí đẹp nhất như mình đã đoán rồi bấm máy.

Có vẻ như khác với chụp ảnh sự kiện đòi hỏi phải thật nhanh chóng, thậm chí không ngại bon chen, va chạm, thì chụp ảnh kiểu story-telling sẽ rất cần sự tỉ mỉ, nhẫn nại và quan sát tốt?
Mỗi thể loại nhiếp ảnh có một sự khó khăn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau và dùng những kỹ năng khác nhau. Thường Việt sẽ tư duy trước câu chuyện cần truyền tải cụ thể, sau đó tìm đến địa điểm và sáng tạo ra bức ảnh dựa trên ý tưởng câu chuyện của mình. Cũng có một vài bức ảnh ngẫu nhiên, sau khi chụp về nhận ra một câu chuyện liên tưởng thú vị hơn. Ví dụ, khi chụp ảnh mục đích để kể chuyện tàu đánh lưới vây ở Phú Yên, tuy nhiên khi chụp mới thấy lưới vây tạo rất nhiều hình thù ngẫu nhiên. Và khi hình ảnh chiếc lưới tạo hình như trái tim, bức ảnh “Trái tim biển cả” – vào chung kết giải thưởng Nhiếp ảnh gia môi trường thế giới năm 2019, ra đời.

Chất "Quê" chảy trong máu
Là một người sống ở đô thị nhưng lại chuyên sáng tác về người lao động ở các miền quê. Anh ấn tượng và suy nghĩ gì về họ?
Việt luôn coi mình là “người quê”. Mặc dù sống ở Hà Nội đã 20 năm, tuy nhiên Việt chưa bao giờ thay đổi giọng nói quê mùa từ gốc gác xứ Nghệ của mình. Từ ngoại hình, cách ăn mặc, cử chỉ, nói năng, thái độ và phong cách sống đều bình thường, giản dị. Do đó, Việt tìm thấy sự gần gũi và luôn dễ hòa đồng với những người quê, với những người dân lao động ở bất kỳ đâu. Họ như những người thân của mình vậy, chưa bao giờ có một chút khoảng cách.
Những người dân phản ứng thế nào khi thấy anh chụp ảnh? Làm sao để giúp họ ở trạng thái thoải mái nhất và không phòng bị?
Như đã nói, Việt rất dễ để nhận được sự cởi mở của mọi người khi chụp ảnh. Sự gần gũi và dễ chịu sẽ tạo ra cảm giác thoải mái nhất, để họ chính là họ chứ không phải là “diễn viên” trong bức ảnh của mình.







Ở Việt Nam, nghề nhiếp ảnh đang nở rộ. Anh tự thấy mình khác biệt gì với bạn bè đồng nghiệp?
Đa số mọi người chơi ảnh thường sử dụng chữ ký hoặc đánh dấu bản quyền bằng watermark khi tải ảnh lên mạng, Việt thì không. Nhiều người phản ứng gay gắt, thậm chí chửi bới và làm ầm lên khi bị lấy ảnh không xin phép, Việt không như vậy. Việt không dùng watermark hay để chữ ký, để khuyến khích mọi người chia sẻ những bức ảnh Việt Nam và luôn thấy vui khi được chia sẻ. Tên tuổi hay bản quyền một bức ảnh với Việt không quan trọng bằng sự đón nhận và yêu thích của mọi người với bức ảnh. Và hình như do vậy nên Việt được đặt mua ảnh có bản quyền, giới hạn bản in kèm chữ ký của mình với giá rất cao. Việt nghĩ, đó cũng là một dạng cống hiến, “cho đi là nhận lại”.
Anh nghĩ gì khi có 1 tấm ảnh A thành công Ngay lập tức sẽ có những tấm ảnh nhang nhác giống thế ra đời A’, A’’?
Trong bất kỳ trường hợp nào, suy nghĩ đầu tiên của Việt là đều mong muốn tìm ra điều tích cực trong từng việc. Ảnh của Việt được mọi người chụp theo, chụp lại rất nhiều, Việt mặc kệ và cảm thấy vui và không phản ứng tiêu cực bao giờ. Bởi nghĩ kỹ ra, hình ảnh của mình đã đẹp và thú vị đến mức truyền được cảm hứng cho họ. Và phần nào đó, họ đang lan toả những nét đẹp của Việt Nam.
Nhưng mà nói chung, việc bắt chước như thế có hại cho chuyện sáng tạo?
Tất nhiên rồi. Nhưng theo quan điểm của Việt, cái đẹp không của riêng ai. Ai cũng muốn tiếp cận cái đẹp và có được bức ảnh đẹp. Điều đó hoàn toàn bình thường. Như sau bức “Làm hương” của Việt, nhiều bạn bè nước ngoài tìm đến Việt Nam để chụp lại nghề truyền thống này. Việt thấy vui và tự hào hơn là ích kỷ, chê bai và phán xét họ.

Không mong được yêu mến, chỉ mong ảnh được đón nhận
Trên facebook, anh rất lịch sự nhưng khá khép kín, hầu như không bao giờ chia sẻ chuyện đời tư. Các nội dung post hầu hết đều về nhiếp ảnh. Có vẻ như anh rất cẩn trọng để không đi vào vết xe đổ các NAG mải quảng cáo/ chuyện xã hội hơn làm nghề?
Đúng vậy. Từ khi chú tâm vào nhiếp ảnh vào 5 năm trước, Việt coi các trang cá nhân trên mạng xã hội là nơi chỉ chia sẻ và chuyên biệt về nhiếp ảnh. Mọi người chỉ cần biết đến Việt là một nhiếp ảnh gia, chỉ cần họ thấy được các tác phẩm của mình. Việt cũng ít khi đề cập đến các vấn đề không phải chuyên môn, cũng như các vấn đề xã hội. Việt không bao giờ tham gia vào các cuộc cãi vã, đấu đá, chửi bới hay tranh luận trên mạng mà chỉ cố tập trung để ảnh của mình ngày một tốt hơn. Dù nhiều người nói họ coi mình là thần tượng, là “idol”, mình vẫn chỉ mong họ yêu thích hình ảnh mình chụp, câu chuyện mình kể, thay vì yêu thích bản thân mình. Bởi Việt có thể một ngày nào đó không còn trên đời nữa, nhưng tác phẩm của mình thì vẫn mong còn sống mãi.
Những năm gần đây, anh xuất hiện liên tục trên báo chí và được tôn vinh với nhiểu giải thưởng/ danh xưng danh giá. Anh đón nhận mọi thứ thế nào? Có khi nào anh phải đối diện với sự dèm pha/ ghen ăn tức ở hoặc bình luận ác ý từ người trong nghề không?
Việt không nghĩ các giải thưởng là thước đo giá trị của một nhiếp ảnh gia. Những bức ảnh, những cống hiến, những cảm hứng mình tạo ra trong một thời gian thật lâu mới là giá trị. Sự ưu ái và tôn vinh của truyền thông giúp Việt được nhiều người biết đến, nhiều người yêu quý nhưng cũng có nhiều sự ghen tức, đố kỵ, thậm chí hãm hại của một số người. Tuy nhiên, trên tất thảy, những thứ Việt làm đều là hướng đến và mong muốn những điều tốt đẹp. Cho nên Việt gạt được những thứ vốn làm mình rất mệt mỏi kia để chỉ tập trung vào những bức ảnh của mình. Mong muốn ảnh mình sẽ đẹp hơn, câu chuyện truyền tải hay hơn và các bức ảnh Việt Nam đẹp đẽ được nhiều người biết đến nhiều hơn.
Trong một bài phỏng vấn, anh nói phải đến 2019 anh mới sống được với nghề nhiếp ảnh. Chẳng nhẽ sống bằng nhiếp ảnh lại khó đến thế? Vậy trước đó thì anh sống bằng cách nào?
Việt đi làm từ khá sớm, từ năm thứ 2 đại học. Đến 2009, Việt mở một công ty riêng về công nghệ và vẫn duy trì đến bây giờ. Từ năm 2015, khi đạt được những điều cơ bản về cuộc sống ổn định, Việt không còn ham kiếm tiền nữa. Từ ngày đó, Việt đi sâu hơn và coi nhiếp ảnh như một đam mê. Trước 2019, Việt chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống bằng nhiếp ảnh. Đến năm ngoái, có lẽ “nhiếp ảnh chọn mình” mà Việt có nhiều thu nhập hơn từ nhiếp ảnh. Lúc đó mới thấy, để sống bằng ảnh cũng không quá khó. Và càng hạnh phúc hơn khi được sống bằng đam mê của mình.
Cảm ơn anh! Chúc anh thật nhiều sức khỏe, niềm vui và thành công trong sự nghiệp!
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 4/2020 với bút danh Anh Trâm. Bài viết đã thay đổi tít, điều chỉnh lại sapo và cắt ngắn một số đoạn.