Những kẻ bỏ phố về rừng

Những kẻ bỏ phố về rừng
Nhà mới của Kiệt, đựng dựng nên từ đất sét và gỗ
“Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau…”

(Đen)

Ai mà chẳng có đôi lần trong đời mơ về một ngôi nhà nhỏ trên đồi, nhìn ra thung lũng xanh tươi, ngày ngày ngắm mây bay và viết tiểu thuyết?

Nhưng những ước mơ như thế thường được cất kỹ ở một góc sâu thẳm nào đó trong tâm hồn, thỉnh thoảng trồi lên thì ngay lập tức bị nhấn xuống bởi những áp lực cơm áo gạo tiền. Chúng ta thường mơ để mà mơ, nói cho vui vậy thôi, chứ ít người đủ can đảm rời thành phố để bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta tìm đủ mọi cái cớ để trì hoãn và đùn đẩy cho tuổi già, khi về hưu thì sẽ sống đúng như nguyện vọng.

Nhưng tại sao lại không phải là bây giờ, khi còn trẻ và trái tim còn đầy nhiệt huyết? Chuyên đề này sẽ là câu chuyện về những người còn rất trẻ, đã rời bỏ phố thị náo nhiệt để tìm về với thiên nhiên. Họ tự tay xây nhà, tự tay khai khẩn những vùng đất hoang, biến những đồi trọc thành những vườn cây xanh mướt. Mỗi người tìm về với thiên nhiên với những lý do, động lực khác nhau. Có người là để hiện thực họa giấc mơ thuở còn thơ, tìm một không gian kết nối sâu sắc với tự nhiên để sáng tạo nghệ thuật. Có người chọn lối sống xanh vì họ quan tâm đến trái đất, đến thế hệ sau này. Họ không muốn “ăn lẹm” vào chính tương lai của con cái mình. Lại có người thích phong cách sống tự cung, tự cấp không phụ thuộc. Họ thích cảm giác tự tay vun xới khu vườn, nhìn các mầm cây lớn lên từng ngày và tìm thấy trong lao động niềm vui.

Chúng tôi hy vọng những câu chuyện nhỏ nhắn như thế này từ chính những người trong cuộc có thể truyền cảm hứng cho ai đó đang ấp ủ những giấc mơ tương tự. Để cho dù bạn ở bất cứ nơi đâu cũng có thể chọn một lối sống xanh hơn, gần gũi với thiên nhiên – cũng chính là cội rễ của mình hơn.

Chuyện thứ nhất: Chàng Ăngtê* sống dựa vào Đất

Kiệt lớn lên tại một vùng quê thuộc đồng bằng Đông Nam Bộ có nhiều đồng ruộng cá tôm. Anh trải qua một tuổi thơ lấm lem mà hạnh phúc với đủ các trò chơi dân gian như câu cá, thả diều, bắt dế, bêu nắng tới cháy đen… Trưởng thành, Kiệt rời quê, lên thành phố kinh doanh thời trang, có những tháng kiếm được ba bốn chục triệu. Vậy mà vẫn không thấy vui, thấy hoang mang, lạc lõng, mất động lực…

Một ngày nọ, anh tìm được một túi hạt giống rau cải trong chuồng gà do một người bà con để lại và quyết định trồng rau ăn. Một chuyện nhỏ như vậy mà đã thay đổi cuộc đời Kiệt mãi mãi. Trồng rau, ngắm nó lớn từng ngày, Kiệt cảm thấy trong lòng ngập tràn hạnh phúc. Và từ luống rau cải đó, đã dẫn Kiệt, một lần nữa trở về với những điều cũ kỹ thân thuộc và tình cảm đặc biệt dành cho thiên nhiên, cây cối. Tình yêu ấy đã dẫn Kiệt đi rất xa, từ bỏ thành phố, tìm về một vùng đất hoang sơ tại Đà Lạt, để rồi tự tay dựng cho mình ngôi nhà và trồng cho mình những mảnh vườn riêng.

Căn nhà thứ hai và cũng là căn nhà hiện tại của Kiệt

Ngôi nhà của Kiệt thật lạ lùng và chắc là có một không hai. Nó cao 4m, có hai tầng, được làm hoàn toàn bằng gỗ và đất sét. Kiệt và những người bạn đã tự tay cuốc đất làm móng, tự tay đi chặt tre, tách tre để đan làm vách đất. Những thanh gỗ lựa từ vựa ve chai được bê lên xe, từ xe chuyển sang máy cày, rồi được kéo lê bằng sức người vào vườn vì lối đi bé quá xe không vào được. Cả mấy tháng trời, họ sống như người rừng, gần như không điện nước, không bếp núc, không nhà vệ sinh. Chỗ trú duy nhất là một cái nhà mái tôn tạm bợ được một người bạn cho mượn, ban ngày thì nóng như đổ lửa, đêm thì lạnh thấu gan.

Ấy vậy mà cuối cùng cái nhà cũng xong, xinh xẻo như một ngôi nhà gỗ ta từng chiêm bao khi còn thơ bé. Mặt tiền của nhà hướng về phía đông nam, nhìn ra khu vườn và những quả đồi trập trùng xanh mướt. Một chiếc sàn gỗ được dựng lên để lấy chỗ đi lại và mắc võng hóng mát. Phòng khách nhỏ xíu đủ cho 6 người ăn cơm. Phía sau là bếp củi, nơi có bếp đất sét ba ngăn không khói do anh tự đắp. Đây được coi là linh hồn của ngôi nhà, nơi vợ anh vẫn hàng ngày nấu những món ăn ngon lành từ rau củ trong vườn.

Tầng dưới, Kiệt thiết kế những chiếc giường tầng cho mấy anh em trong vườn ngủ lại. Tầng trên là phòng của hai vợ chồng, đơn giản nhưng thoáng đãng, có một vài quyển sách để trên các kệ đất xinh xinh. Bên ngoài nhà là một chuồng cún nho nhỏ và cả một cái lò nướng hình miệng cá mới đắp – tất cả đều được làm bằng đất sét.

Bếp và lò nướng bánh được Kiệt tự tay làm bằng đất sét

Bên hông nhà là một hồ nước nhỏ được dẫn từ suối về để rửa chén giặt đồ. Nước thải sinh hoạt không bị nhiễm hóa chất nên rất lành, “tiếp sức” cho mấy khóm chuối, mấy dàn bầu mướp và su su vươn lên mập mạp.  Đất mẹ thật hào phóng: đất cho rau củ, cho lương thực; đất che chở khỏi mưa nắng và biến thành các đồ vật thiết yếu hàng ngày. Kiệt tự hào về ngôi nhà và mảnh vườn được làm nên bằng chính đôi tay của anh và bè bạn. Tuy nhiên anh cho rằng, chính xác hơn đó là nhờ sự cộng tác của con người và thiên nhiên mà thành.

Kiệt luôn xúc động mỗi khi nhắc đến những người bạn đồng cam cộng khổ với mình. Đôi khi anh tự hỏi tại sao một người chẳng có gì trong tay như mình, lại có những người yêu thương mình nhiều đến thế. Trung, từng là tình nguyện viên tại khu vườn cũ của anh tại Bảo Lộc, lại tiếp tục theo anh đến khu vườn mới. Kiệt nhớ lại lần đầu tiên gặp nhau, thấy Trung xăm trổ đầy mình, trông có vẻ bặm trợn, anh đã hơi thấy ớn. Thậm chí anh còn tưởng Trung là dân giang hồ đến để gây sự, nhưng hóa ra Trung chỉ cười hiền lành, xin được làm tình nguyện viên. Duy, một người bạn khác, hồi xưa chuyên đi bán đá quý, mập mạp và trắng trẻo như con gái. Vậy mà gặp Kiệt, Duy bỏ hẳn nghề cũ bởi chợt nhận ra nghề đá quý phá núi ghê quá. Giờ Duy đã vào vườn ở hẳn, chỉ sau một năm, đã trở thành người đàn ông của núi rừng, bắp tay to khỏe và cơ thể chắc nịch.

Ngôi nhà được kết nối bằng tình thân, tình bè bạn của Kiệt.

Và không thể quên người bạn đồng hành quan trọng nhất: người bạn gái suốt thời thanh xuân và giờ là vợ Kiệt. Chị xinh xắn, nhỏ bé, mảnh dẻ và đam mê ca hát. Dẫu hành trình đam mê không giống nhau, nhưng chị luôn sát cánh bên anh trong những lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời. Chị chẳng ngại ngồi trên chiếc xe cũ, chất đầy các thùng xốp rau củ, để cùng anh vi vu khắp phố phường. Chị cũng chẳng nề hà việc rời thành phố, về vùng đất lạ, xắn tay áo, chân đeo ủng, cùng góp sức dựng lên ngôi nhà và khu vườn. Kiệt có những lúc trầm ngâm: “Ngẫm lại lúc mới lên lạc lõng và sợ hãi, chỉ còn mỗi cô vợ vì quá thương mình nên bỏ hết mọi thứ để cùng mình vượt qua giai đoạn khó khăn này.”

Trong khi cả thế giới vật lộn vì đại dịch Covid-19, cuộc sống của Kiệt và những người bạn hầu như không bị ảnh hưởng gì. Hàng ngày, họ vẫn lao động chăm chỉ, vẫn ăn chơi và vẫn yêu thương nhau chẳng có gì thay đổi. Cây cối rau củ mỗi ngày một xanh mướt và sắp tới ao sẽ thả thêm cá còn vườn sẽ thêm những đàn gà vịt.

Kiệt tự thấy cuộc sống của mình thật giàu có và đầy đủ. Ở đây có con suối to trước nhà, có không khí se lạnh của Đà Lạt, có muôn vàn tiếng chim ca hót mỗi ngày. Có gió, có nắng nhảy múa qua các ô cửa sổ. Có người thương để cùng ngắm bình minh, hoàng hôn. Có bạn bè tri kỉ để cùng nhau lao động và chơi cờ, đọc sách. Một con người còn có thể đòi hỏi gì hơn thế?

*Ăngtê là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là con trai của Đất Mẹ Gaia. Chỉ cần chân chạm đất, Ăngtê sẽ được Đất Mẹ truyền thêm sức mạnh, khiến bất khả chiến bại. Nhưng nếu bị tách rời khỏi Đất Mẹ, Ăngtê sẽ trở nên yếu đuối, không còn chút nội lực nào.

*Ảnh gốc của bài báo là về ngôi nhà đầu tiên bằng đất sét của Kiệt, hiện đã thất lạc. Ảnh trong bài này là ngôi nhà thứ hai của Kiệt, cũng bằng đất sét và gỗ.

Chuyện thứ hai: Giấc mơ sống đời tự do

Tôi quen Thắng từ khi cậu còn là sinh viên trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Thắng cao ráo, rắn rỏi, và đặc biệt rất điển trai. Ngoài công việc kiến trúc, Thắng còn đóng vai chính trong một vài bộ phim truyền hình. Thế rồi, Thắng vào Sài Gòn, bẵng đi một vài năm không liên lạc.

Một ngày nọ, bất ngờ, Thắng inbox tôi để xin một vài hạt giống cây trồng khi biết tôi đang đi leo núi ở Nepal. Hóa ra Thắng đã rời thành phố, về Khánh Hòa, dựng một ngôi nhà nhỏ được bao quanh bởi một khu vườn xinh xắn, hàng ngày nặn gốm, nhuộm vải và sáng tác nghệ thuật.

Thắng kể, sự trở về với thiên nhiên này không phải là một sự trốn chạy hay từ bỏ. Đó là sự lựa chọn. Nhiều năm sống ở thành phố, công việc cũng thuận lợi nhưng Thắng luôn cảm thấy tâm hồn mình thiếu vắng một cái gì đó. “Thành phố có rất nhiều thứ nhưng thứ mình cần lại không ở đó”.

Thắng nhớ lại giấc mơ thời sinh viên: sống trong một ngôi nhà trên một quả đồi để sáng tác nghệ thuật, làm những thứ liên quan đến sáng tạo và kết nối những nghệ sĩ với nhau. Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ ?! Suy nghĩ kỹ, khi thời cơ thuận lợi, Thắng quyết định rời thành phố, tìm về với rừng núi. Cậu dừng chân tại Khánh Sơn, Khánh Hòa - một vùng đất trước đó chưa từng qua, và cũng chẳng quen ai nhưng thấy thân thuộc, mến yêu như đã biết từ lâu.

Từ một mảnh đất trống khoảng 1700m2, Thắng cho xây một nhà nhỏ chỉ 36m2 gồm phòng ngủ, phòng khách, nhà tắm và bếp. Bên ngoài là một ban công rộng 25m2 để cậu có thể thoải mái nằm ngắm sao vào buổi tối. Nhà theo phong cách tối giản, mọi thứ chỉ vừa đủ, rèm cửa mỗi nơi một màu, tự nhuộm từ các nguyên liệu thiên nhiên. Căn bếp nhỏ với các tủ gỗ mộc mạc, chất đầy các chai lọ thủy tinh bảo quản đồ khô hoặc những sản phẩm thu được trong vườn…

Một ít cây trái thu được trong vườn của Thắng

Và khu vườn tuyệt vời, bốn mùa rực rỡ cây trồng và hoa trái! Ngay trước cửa là mấy khóm hoa hồng, tươi thắm và thơm ngào ngạt Ở góc này là dàn mướp đắng bắt đầu cho ra những trái đầu tiên và ở góc khác, một cây đậu biếc đang sung mãn nở hoa. Vườn cung cấp phần lớn thực phẩm hàng ngày cho cậu: với những cây bắp cải tươi non, cà chua chín mọng, các loại đậu quá nhiều ăn không xuể, những củ cà rốt vừa nhổ lên khỏi đất, những quả phúc bồn tử và dâu tây ngon ứa nước bọt. Vườn có gì ăn đó, thỉnh thoảng có gà và trứng nhà nuôi được, nhưng chủ yếu vẫn là các loại rau, củ, quả, hạt... Thực phẩm từ vườn được chuyển thẳng vào nhà bếp nên luôn tươi ngon, mát lành, không cần chế biến cầu kỳ.

Thắng tìm thấy niềm vui khi trở về với thiên nhiên, cây cỏ.

Thắng chia sẻ cuộc sống cùng với thiên nhiên khiến cậu tối giản mọi thứ từ ăn, mặc đến sinh hoạt hàng ngày. Trước kia ở thành phố là những buổi cà phê, bar pub với bạn bè sau giờ làm việc, là những đêm thức đến 1-2 giờ sáng chưa ngủ. Về với rừng, mỗi ngày cậu thức dậy lúc 5 giờ sáng và ngủ trước 9 giờ tối. “Sống ở đây, tự nhiên đồng hồ sinh học thay đổi làm mình sống với quy luật của mặt trăng mặt trời chứ không phải do mình cố gắng tạo ra”.

“Nhiều người hỏi tôi cuộc sống như thế này có buồn không, có cô đơn không nhưng thực sự chưa bao giờ nỗi buồn hoặc cô đơn đến với tôi từ khi tôi bắt đầu cuộc sống này. Ngắm nghía mảnh đất mỗi ngày được phủ xanh, hay những chồi non mới mọc cũng khiến trái tim tôi rung lên vì hạnh phúc. Công việc làm vườn, sáng tạo cũng chiếm thời gian hết cả một ngày, nên cũng chẳng có thời gian mà buồn. Mỗi buổi sáng, tôi dậy sớm làm vườn cho tới khi mặt trời lên hẳn thì lại vào nhà làm tiếp các công việc đục đẽo, nhuộm vải, làm gốm, nấu nướng… Thỉnh thoảng, tôi chơi đùa với những đứa trẻ con hàng xóm và trò chuyện với những cụ già “ăn rừng”. Có những ngày đi thăm rẫy của hàng xóm cũng mất nửa ngày đường.”

Một góc làm việc của Thắng. Cậu đam mê các họa tiết truyền thống của dân tộc.

Sống tự do và làm việc tự do là một cảm giác thú vị khi mình có thể tự sắp xếp công việc của mình sao cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện thời tiết. Những ngày nắng đẹp, Thắng dừng công việc để ngồi tận hưởng không khí và nhiên nhiên xung quanh. Nhâm nhi một ly trà nóng, nghe tiếng gió, tiếng cây, thưởng thức hương thơm từ khu vườn đưa lại hoặc nhấm nháp vài trái cây ngọt lịm từ vườn. Ở đây chẳng bao giờ có cuối tuần, ngày nào cũng là ngày làm việc và ngày nào cũng là ngày nghỉ. Tuy nhiên, mọi thứ đều cần có sự sắp xếp, tính toán thì công việc mới có thể được hoàn thành như ý.

Góc chill hàng ngày của Thắng

Sống cùng thiên nhiên dạy Thắng thêm nhiều bài học về cuộc sống. Thiên nhiên luôn có sự thay đổi, lúc bình yên, khi dữ dội. Không phải lúc nào thiên nhiên cũng long lanh như một bức tranh phong cảnh nên mình phải biết sống với thực tại, hạnh phúc và vui vẻ với tất cả những gì thiên nhiên đem tới. Tính kiên trì, nhẫn nại và biết chờ đợi cũng được hình thành trong con người Thắng từ khi làm vườn. “Mình muốn ăn trái thì phải trồng hạt mà hạt còn phải nảy mầm, phát triển, đâm hoa rồi mới kết trái. Mình muốn ăn thì mình phải chờ đợi, có cây 3 tháng, có cây nửa năm, 1 năm hoặc 5 năm mới đậu quả. Chưa kể có cây tới lúc thu hoạch thì lại chết. Và lúc đó mình lại học được cách chấp nhận. Mình không buồn vì cây đó chết, mình vui vì cây đó có thể ủ xuống đất làm phân cho các cây khác”.

Khu vườn này chỉ mới là sự khởi đầu của một hành trình dài mà Thắng đã dự định.  Rồi mai đây sẽ nhiều khu đất trống trở thành vườn, nhiều cây mới được mọc lên, cho hoa, cho quả ngọt. Và sống trong sự dưỡng lành của thiên nhiên, trí tưởng tượng và bàn tay sáng tạo sẽ được chắp cánh, đem đến nhiều giá trị đích thực cho đời…

*Bài viết đăng trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 5, 2020 với bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội