Phan Anh Esheep: Vào bếp là cả một cuộc phiêu lưu!

Phan Anh Esheep – food blogger nổi tiếng và “bếp trưởng” của cộng đồng Yêu Bếp – không phải là hình mẫu phụ nữ nội trợ điển hình. Với phong cách cá tính, tư duy cởi mở và khiếu hài hước, chị khiến việc vào bếp trở thành một cuộc phiêu lưu đầy thú vị.
Trang cá nhân của chị hiện có hơn 300.000 lượt theo dõi và nhóm Yêu Bếp do chị sáng lập hiện đã có hơn 1 triệu thành viên. Hơn 10 năm qua, chị đã miệt mài truyền cảm hứng để mọi người vào bếp nhiều hơn và tìm thấy niềm hạnh phúc trong những mâm cơm ấm cúng.
“Hãy vào bếp với tâm hồn rộng mở”
Khi hình dung về một phụ nữ giỏi nấu ăn, giỏi nữ công gia chánh, người ta thường vẫn hay tưởng tượng đến những phụ nữ cổ điển, tóc dài, ăn mặc kín đáo, sống hướng nội, kín kẽ. Nhưng Phan Anh thì khác hẳn: chị để tóc ngắn trẻ trung, ăn mặc cá tính, hoạt bát và…nói nhiều. Tóm lại là một hình ảnh chệch xa khỏi “khuôn mẫu”.
Chị có bao giờ nghĩ về sự tương phản thú vị này?
Có chứ, tôi thường nghĩ về điều này và mỉm cười. Thật tình cờ và bất ngờ khi tôi phát hiện ra vẻ bề ngoài của mình lại có khả năng khiến người khác có những cảm nhận hoàn toàn khác biệt, thậm chí là đối lập về chính tôi. Có một chuyện thú vị như sau: Tất cả các follower/fan của Esheep Kitchen, trước khi biết đến tôi, mà đọc những gì tôi viết trong các cuốn sách nấu ăn, những bài chia sẻ tại Esheep Kitchen hoặc ngắm những hình ảnh tôi chụp, đều tưởng tượng tôi là một cô gái như bạn mô tả ban đầu: cực kì cổ điển, tóc dài đen, ăn mặc kín đáo, sống nội tâm, kín kẽ.
Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng “chị Esheep” là người hóm hỉnh, nghịch ngợm thậm chí ngỗ ngược nếu họ nhìn thấy tôi trước khi tiếp cận những gì tôi chia sẻ.
Thế cho nên tôi nghĩ chả có một khuôn mẫu hay chênh lệch gì cả. Giỏi nấu ăn, nữ công gia chánh không liên quan gì đến hình thức. Nhưng hình thức sẽ giúp người khác cảm nhận về bạn thế nào, bạn muốn cho người khác thấy mình là người thế nào.
Trên mạng, người ta vẫn thường hay khuyên nhau, đại ý, phụ nữ hiện đại đừng chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Chị nghĩ sao về lời khuyên này? Theo chị, phụ nữ hiện đại có nên vào bếp không?
Tôi nghĩ họ nói đúng đó. Tôi hoàn toàn đồng ý. Phụ nữ hiện đại nếu CHỈ quanh quẩn trong bếp, thì dù nó là đam mê lớn nhất, là công việc phải làm hàng ngày, là trách nhiệm hay là thú vui, cũng sẽ khiến cuộc sống của bạn bị thiếu màu sắc. Hãy vào bếp với tâm hồn rộng mở của một người được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều điều hay, học hỏi nhiều điều thú vị. Hãy vào bếp với tâm trạng của một người được no đủ về tinh thần. Hãy vào bếp với trách nhiệm của người mẹ, người vợ có đủ năng lực, chịu khó học hỏi để kỹ năng trong bếp ngày càng thành thạo, để khiến việc vào bếp ngày một dễ dàng hơn. Và quan trọng nhất, hãy vào bếp vì chính-bạn-thích-vào bếp. Không thích thì thôi, hãy tìm cách khác để không bị đói.
Thế mới thú. Và bạn sẽ phải tự tìm cách để làm được điều đó.
Vậy nên, nếu theo kiến cá nhân của tôi, thì phụ nữ hiện đại quả là nên vào bếp. Bởi đó là một sân khấu đáng để bạn toả sáng, một thế giới đáng để bạn khám phá, một góc riêng có khả năng khiến bạn vui thú, cân bằng. Và thật tuyệt khi nó chính là một trong những chiếc chìa khoá để bạn mở được bí mật của hạnh phúc. Còn mở thế nào tôi không biết nữa, chắc bạn sẽ phải tự tìm cách giải mã thôi.
Group Yêu Bếp của chị vừa cán mốc hơn 1 triệu thành viên, chứng tỏ phụ nữ hiện đại vẫn rất yêu bếp đấy chứ?! Trước Yêu Bếp, đã có nhiều group khác chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, nhưng chưa group nào có sức hút kinh khủng như vậy. Theo chị, điều gì đã làm nên “hiện tượng” Yêu Bếp?
Tôi cũng không rõ phụ nữ hiện đại yêu bếp hơn hay đàn ông hiện đại yêu bếp hơn vì thú thực sau chiến dịch cộng đồng “Việc Nhà Có Anh” của Yêu Bếp, lượng thành viên là nam giới đã lên tới hơn 40% tổng số hơn 1 triệu thành viên của nhóm Yêu Bếp. Chứng tỏ là việc yêu bếp không phân biệt giới tính, không phân biệt hiện đại hay không.
Hiện tượng Yêu Bếp không phải mới chỉ xuất hiện khi có lệnh cách ly xã hội. Nhiều năm nay, cộng đồng Yêu Bếp hay “gia đình” Esheep Kitchen vẫn luôn là “hiện tượng” khó lý giải trong thế giới những người yêu ẩm thực, thích chia sẻ việc bếp núc. Tôi chưa lần nào phân tích về điều này mà tận hưởng nó như một sự ghi nhận giá trị nhất về những gì mình đã nỗ lực cống hiến, chân thành chia sẻ và dành tâm huyết cũng như thời gian cho điều tôi yêu thích, đam mê. Tôi đam mê việc chia sẻ với người khác về đam mê ẩm thực của tôi.
“Yêu bếp không phải là một cuộc thi”
Có những ý kiến lại cho rằng, vào Yêu Bếp, họ cảm thấy áp lực và thấy đây không phải là chỗ dành cho mình. Họ tuyên bố “ghét bếp”, “không yêu nhà” để được thoải mái tự do là mình hơn. Chị nghĩ gì về điều này?
Tôi nghĩ điều này hoàn toàn hợp lý và đáng quý. Không có một sân chơi cộng đồng nào có thể phù hợp với tất cả mọi người. Nghe thật tàn nhẫn nhưng tôi xác định từ đầu như vậy, nhất là cộng đồng “mạng xã hội”. Bạn có quyền lựa chọn cộng đồng phù hợp với mình, khiến mình vui, khiến mình được là chính mình. Yêu Bếp khá chặt chẽ trong việc đưa ra các quy định về văn minh, lịch sự, thậm chí việc viết tắt, viết sai chính tả cũng sẽ được admin hướng dẫn để mỗi thành viên có đóng góp hữu ích nhất. Vì vậy, có thể nói Yêu Bếp là một cộng đồng có sức hút, nhưng cũng có lưới lọc. Gạn lọc những gì phù hợp để cùng chia sẻ sự tương đồng trong sở thích, phong cách sống, cùng lúc tôn trọng khác biệt cá nhân, đa dạng về góc nhìn.
Chị có muốn chia sẻ điều gì với những phụ nữ còn vụng về hoặc chưa có điều kiện để có một căn bếp sạch đẹp - hiện đại?
Tôi vẫn đang chia sẻ tại Yêu Bếp như sau: Yêu Bếp không phải một cuốn sách giáo khoa để mọi thứ hiện lên đều đúng và chuẩn chỉ, cũng không phải một cuộc thi để bạn chịu áp lực. Yêu Bếp đơn giản là nơi chia sẻ, cùng học hỏi để ngày một hoàn thiện. Vì vậy, admin Yêu Bếp cũng đã, và vẫn đang nhiều lúc vụng về hệt bạn. Và mỗi căn bếp đều có một vẻ đẹp riêng mà bạn thổi hồn vào nó, khiến nó đẹp hơn. Còn việc giữ nó sạch đẹp? Đừng lo, đã có các thành viên khác chia sẻ cách để bạn khiến căn bếp nhà bạn luôn gọn gàng, sạch sẽ, và tốt nhất trong điều kiện của bạn rồi đó.
Chị có từng thất bại khi thử nấu các món ăn mới không? Điều gì là động lực để chị tiếp tục vào bếp?
Có chứ, tôi thất bại và vấp ngã suốt! Nhưng có hề gì đâu nhỉ, tôi nghĩ đó là chuyện thường ai cũng gặp và lĩnh vực nào cũng có! Động lực đơn giản là cảm giác hạnh phúc khi tận hưởng thành công sau nhiều lần vấp ngã.
Chị hay so sánh hành trình nấu ăn với một cuộc phiêu lưu. Vậy chuyến phiêu lưu này thú vị nhất ở điều gì? Nó có giúp chị hiểu biết thêm về một khía cạnh nào đó trong con người mình hoặc cho chị bài học nào thật thấm thía không?
Thú vị nhất ở điểm bạn không bao giờ biết trước điều gì đang đợi bạn, mỗi trải nghiệm lại là một điều thú vị hoàn toàn mới. Nó khiến tôi phát hiện ra mình ngày một kiên trì hơn, nhẫn nại hơn, cởi mở hơn, nữ tính hơn, trung dung hơn. Trong khi trước đây tôi là người khá nóng vội, tính tình thì hay thái quá.
“Tôi giống một chiếc bánh pudding núng nính"
Chị là một phụ nữ đã từ bỏ một công việc ổn định, quen thuộc để trở thành một food blogger – một “nghề” hoàn toàn mới và xa lạ ở Việt Nam. Đây có phải là một quyết định đòi hỏi nhiều can đảm? Thời điểm đó, làm thế nào để chị biết rằng đây là đam mê thực sự chứ không phải một sở thích nhất thời của mình?
Tôi không biết mình có can đảm hay không vì vào thời điểm đó, chỉ đơn giản là tôi thấy mọi thứ đã trọn vẹn, đã phù hợp với mình. Đó là lúc tôi nhận ra đó chính là đam mê thực sự, là việc tôi có thể làm hàng ngày không chán.
Một food blogger sẽ làm việc với rất nhiều nhãn hàng. Vậy làm sao để chị cân bằng được giữa một bên là yêu cầu của khách hàng và một bên là uy tín đã phải mất rất nhiều thời gian để tạo dựng?
Đơn giản là sự lựa chọn, tôi có quyền chọn những nhãn hàng phù hợp với mình. Nhãn hàng có quyền lựa chọn tôi khi phù hợp với họ. Như vậy thì không khó gì để cân bằng. Chỉ khó để can đảm từ chối, chọn lọc thôi. Vì thường ai cũng muốn “đông khách” chứ ít ai chọn “ít khách” như tôi.
Theo chị, thách thức lớn nhất mà các food blogger đang gặp phải hiện nay là gì?
Thách thức lớn nhất là định hướng. Mỗi food blogger đều phải định hướng được việc mình làm: mục tiêu – tầm nhìn – năng lực bản thân - thị trường – chiến lược. Nghe thật xa lạ với một nghề nghiệp thiên về nghệ thuật, về chia sẻ như vậy. Tuy nhiên nó là sự thật nếu bạn muốn tiến đến cấp độ chuyên nghiệp.
Các bài viết của chị thường rất hài hước và tràn đầy tinh thần tích cực. Hỏi vui một chút, sự hài hước này là do…. bẩm sinh hay do tập luyện? Thông thường, chị đối diện với sự tiêu cực như thế nào?
Tôi nghĩ là do gien di truyền đấy. Bố mẹ tôi rất hài hước, hài nhất là thích kể chuyện cười mà không ai cười và nó đã di truyền đến tôi. Điều này khiến tôi luôn phải luyện tập và tiếp xúc với tư duy tích cực, vui vẻ để mình không trở nên nhạt nhẽo. Ước gì gien này lặn đi vài thế hệ.
Tuy nhiên tôi biết ơn vì ba mẹ đã di truyền cho tôi thái độ sống đầy bản lĩnh khi đối diện tiêu cực: hiểu rằng việc đấu tranh với tiêu cực là nghĩa vụ, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là không thổi phồng nó lên.
Nếu so sánh với món ăn, chị tự thấy bản thân mình giống món ăn nào nhất. Và tại sao lại thế?!
Tôi không biết. Một lần tôi hỏi người quản lý của mình điều này. Bạn ấy ngẫm nghĩ rồi bảo “Chị á? Giống một chiếc bánh pudding núng nính!”.
Tôi thích lắm và nghĩ bụng “Ồ, mình thật ngọt ngào, mềm mại và dễ gần”.
Nhưng hoá ra nó lại có nghĩa là: “Béo ú và dễ vỡ”.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị!
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 5/2020 với bút danh Anh Trâm. Bài viết đã được tác giả sửa lại tít và sapo so với bản in trên tạp chí.