Pocahontas Việt Nam và giấc mơ về một Trái Đất xanh

Cộng đồng quan tâm đến Trái Đất và bảo vệ môi trường không xa lạ gì với Trang Nguyễn. Cô là một nhà bảo tồn động vật hoang dã và là một trong những người tích cực nhất trong việc tuyên truyền, vận động mọi người bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.
Đấu tranh vì quyền sống của muôn loài
Nam Phi cuối hạ, trời nắng như đổ lửa, những dòng sông cạn khô, trơ đến tận đáy. Đồng cỏ đang úa dần, để lại mùi thơm ngào ngạt trong không khí. Mưa đã không còn nhưng hoa dại vẫn bạt ngàn, cố gắng vươn mình dưới ánh mặt trời bỏng rẫy để đua nhau khoe sắc.
Đàn voi đủng đỉnh kéo nhau xuống hồ nước, những chú voi con tinh nghịch phun nước bắt nạt hà mã để rồi cong đuôi chạy về với mẹ khi bị đuổi lại. Hươu cao cổ đang mùa yêu đương, đi với nhau theo cặp, thỉnh thoảng lại dụi đầu vào nhau dịu dàng. Đàn sư tử kéo nhau vào bụi rậm tránh nắng, nằm ườn phơi bụng mặc cho những chú sư tử con lăng xăng bên cạnh cố gắng vật bố mẹ dậy.

Cách đó xa xa là một cái cô gái Việt nhỏ nhắn, da ngăm ngăm, trán bướng nhưng đôi mắt sáng và nụ cười tươi. Ngắm cảnh thiên nhiên bình yên, tươi đẹp, cô càng quyết tâm phải bảo vệ được cảnh tượng này, gìn giữ cho những đời sau.
Đó là Trang Nguyễn – nhà bảo tồn động vật hoang dã và người sáng lập tổ chức WildAct tại Việt Nam. Gần chục năm qua, Trang đã đi đến các khu rừng già, các vườn quốc gia trên khắp địa đầu để bảo tồn những gì còn sót lại của thiên nhiên hoang dã. Trang hiện đang là đại sứ cho quỹ United for Wildlife của Hoàng Gia Anh. Cô từng được lựa chọn đứng trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam 2018 và Women of the Future – Đông Nam Á. Năm 2018 cô vinh dự trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Future for Nature.

Dĩ nhiên không phải chuyến đi nào của Trang cũng suôn sẻ để có thể thảnh thơi ngắm voi, ngắm sư tử. Đi thực địa là một công việc nặng nhọc và nguy hiểm, đặc biệt cho phụ nữ. Những lần Trang đi rừng, bị côn trùng cắn, gai cào, bị mưng mủ, ốm sốt…nhiều không kể xiết. Hàng tháng trời, Trang ngủ trong lều, không toilet, không nhà tắm, không giường chiếu, TV hay internet. Phụ nữ khi “đến tháng” lại càng khổ hơn vì tâm sinh lý thay đổi và giữ vệ sinh sạch sẽ không phải là chuyện dễ dàng. Có những lần, cô thót tim khi bị lạc giữa rừng hoặc ngồi trên xe của những kẻ buôn bán ngà voi trang bị súng ống. Từng làm việc với những người trong Đội đặc nhiệm phòng chống săn trộm ở châu Phi, Trang hiểu những tên săn trộm sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả xả súng, giết người để lấy được một mẩu ngà voi hay sừng tê giác.
Nhưng Trang không để những khó khăn kể trên cản trở mình. Cô gái nhỏ nhắn, nhưng bướng bỉnh và giàu nghị lực ấy tiếp tục quăng mình vào những chuyến đi thực địa để trải nghiệm và nghiên cứu. Năm 2018, Trang xuất bản cuốn sách “Trở về nơi hoang dã”, kể lại những câu chuyện trên hành trình nghiên cứu những động vật hoang dã từ loài vượn cáo đặc hữu ở Madagascar, loài báo gấm ở Việt Nam hay tê giác ở Kenya, gấu ở Lào, Campuchia. Bằng những trang viết sống động, chân thật, Trang giúp người đọc hiểu thêm về động vật hoang dã, để rồi yêu và muốn bảo vệ những điều tốt đẹp ấy. Cô đã truyền cảm hứng để mọi người có những hành động thiết thực như nói không với mua bán động vật hoang dã, không sử dụng những sản phẩm như ngà voi, từng tê giác, vảy tê tê, không xem xiếc thú, không ngược đãi động vật…
Cứu Trái Đất từ những những việc nhỏ bé
Bên cạnh những dự án bảo tồn động vật hoang dã, Trang cũng rất quan tâm đến bảo vệ môi trường nói chung. Năm 2016, cô thực hiện một dự án có cái tên rất dễ thương “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất trong 100 ngày”.
Cô lập một album ảnh, chia sẻ những cách đơn giản, nhỏ bé để có thể giúp bảo vệ môi trường sống. Đó có thể là tái chế áo phông thành thảm chùi chân, trồng lại thực phẩm thừa, giảm lượng tiêu thụ thịt, không dùng ống hút nhựa hoặc không thả cá chép… Năm 2018, cô tổ chức lễ cưới theo một cách rất “xanh”: nhẫn cầu hôn bằng chỉ thêu, nhẫn cưới có nguồn gốc rõ ràng được khai thác bền vững, váy cưới làm từ nguyên liệu cũ, không in thiệp cưới…
Ngay sau khi đăng tải, album của Trang đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Cho đến nay album thu được hơn 2.200 lượt thích và hơn 1.300 lượt chia sẻ. Được truyền cảm hứng từ Trang, rất nhiều người cũng đã thực hiện điều tương tự, đưa những giải pháp nhỏ bé nhưng hiệu quả, trong khả năng của mình để cải thiện môi trường sống. Sắp tới Trang dự định xuất bản cuốn “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất trong 100 ngày” và “Cẩm nang cưới thân thiện với môi trường” với hi vọng sẽ gợi ý cho mọi người cách sống xanh hơn.

Giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 năm nay, WildAct – tổ chức bảo tồ động vật hoang dã do Trang thành lập cũng tổ chức chiến dịch Thử Thách Hoang Dã (www.wildactchallenge.org) . Đây là một chiến dịch mà Trang đã ấp ủ trong 6 năm, đến tận năm nay thì mới có đủ kinh phí và nguồn lực để thực hiện. Để tham gia, mọi người sẽ phải lập đội từ 3-6 thành viên và mỗi ngày thực hiện những thử thách nho nhỏ đơn giản mà ai cũng làm được như giặt quần áo ở nhiệt độ thấp, từ chối dùng ống hút nhựa, không hút thuốc. Bên cạnh đó là các hoạt động nhóm đầy ý nghĩa như cùng nhau nấu và trao đổi công thức nấu các món chay, hay cùng tập làm xà bông hữu cơ thay vì sử dụng sữa tắm có chứa hóa học đựng trong các loại chai nhựa. Trang tâm niệm nỗ lực của một người giống như một giọt nước, nhưng tất cả đều hiệp lực lại thì sẽ thành một đại dương. Sau 6 tuần triển khai, con số thật đáng khích lệ: hàng ngàn lượt ăn chay, hàng vạn kWh điện và hàng triệu lít nước được tiết kiệm…Trang dự định sẽ triển khai thử thách này đều đặn hàng năm.
Ngoài ra thì Trang cùng WildAct cũng đang có những chiến dịch khác, ví dụ như chiến dịch Trạm Sự Sống. Các đơn vị kinh doanh có thể đăng ký thành địa điểm cung cấp nước uống miễn phí dành cho người dân tự mang chai và bình dùng nhiều lần để lấy nước uống trên cả nước. Trang hy vọng việc này sẽ giúp hạn chế tối đa lượng nhựa thải ra môi trường từ việc tiêu thụ chai nước nhựa. Hiện tại đã có khoảng 100 điểm đăng ký trên khắp cả nước tham gia mạng lưới Trạm Sự Sống và con số vẫn đang dần tăng lên.
Niềm tin vào sức mạnh cộng đồng
Bảo vệ môi trường không thể chỉ dựa vào một vài cá nhân đơn lẻ mà phải là sức mạnh của cộng đồng. Gần đây, Trang cùng nhiều nhóm bảo vệ môi trường khác vừa kêu gọi mọi người phản đối việc Phúc Long có chính sách tặng kèm cốc đá khi mua hàng. Hàng trăm, hàng ngàn người đã vào facebook của hãng trà sữa này để thể hiện thái độ quyết liệt. Kết quả Phúc Long phải dẹp bỏ ngay ý định vừa chớm manh nha này. Trang chia sẻ sự phản đối này cùng với thành quả của nó mang rất nhiều ý nghĩa. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy sức mạnh của người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen kinh doanh - ngay cả của những "ông lớn". Những thành công bước đầu này hi vọng sẽ tạo tiền đề cho nhiều sự thay đổi cần thiết từ các đơn vị cung cấp dịch vụ và kinh doanh, nó cũng sẽ là động lực để cộng đồng tiếp tục cất tiếng nói vì một môi trường trong sạch hơn.
Trang cũng thể hiện sự lạc quan về giới trẻ Việt Nam, ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống. “Chỉ trong vòng đời mới 30 năm của Trang thôi đã có thể thấy được sự biến chuyển theo chiều hướng tích cực một cách rõ rệt”. Trang tâm sự hồi còn đang đi học ở Việt Nam có rất ít bạn trẻ quan tâm đến ngành bảo tồn động vật hoang dã, nói ra có khi còn bị chê cười. Bây giờ thỉnh thoảng Trang nhận được email của các bậc phụ huynh trẻ, hỏi làm thế nào để con em họ có thể thực hiện được ước mơ làm một nhà bảo tồn ở Việt Nam.

Trang quan sát thấy nhiều nhóm, nhiều hội học sinh, sinh viên tự lập để cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã trong các trường đại học hay trường cấp 3. Không chỉ với giới trẻ, mà ngay cả các công ty, văn phòng cũng chú tâm hơn đến vấn đề này. Họ gửi email mời Trang đến nói chuyện về lối sống bền vững, về việc họ có thể làm gì để ủng hộ công việc của WildAct. Còn có cả các cửa hàng, quán cà phê tự động liên lạc để giúp WildAct gây quỹ và lan rộng những dự án bảo tồn của WildAct ra xa hơn nữa.
Môi trường đang ngày càng xuống cấp, nếu không hành động ngay bây giờ, thì là bao giờ?! Hy vọng trong tương lai gần, sẽ ngày càng có nhiều người giống Trang, nỗ lực cứu lấy Trái Đất và phấn đấu vì một môi trường tốt đẹp hơn.
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 4/2019 với bút danh Lou Lou.