Di sản của The Beatles

Di sản của The Beatles

Năm 2019, bộ phim Yesterday đặt ra một giả tưởng thú vị: Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu The Beatles? Không những nhân loại sẽ không được lắng nghe những kiệt tác như Hey Jude, Let it Be hay Norwegian Wood mà diện mạo âm nhạc thế giới cũng sẽ rất khác. Hơn 50 năm qua, cái bóng khổng lồ của The Beatles vẫn còn đó, ảnh hưởng rất nhiều đến các nghệ sĩ đương đại.

Tại sao chúng ta lại yêu The Beatles?

Điều gì đã khiến 4 chàng trai thuộc tầng lớp lao động ở thành phố biển Liverpool có thể chinh phục thế giới và trở thành những kẻ “nổi tiếng hơn chúa Jesus”? Khi The Beatles xuất hiện, thế giới được chứng kiến một thứ mới mẻ chưa từng tồn tại trước đó. Âm nhạc của họ vui tươi,  giàu năng lượng, tràn đầy nhiệt huyết và cảm xúc. Nó khiến những người Anh vốn nổi tiếng lạnh lùng và mực thước cũng phải nhoẻn cười. Nó vực dậy một nước Mỹ đang choáng váng sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy. Nó như một thứ virus niềm vui dễ lây lan, kết nối mọi người lại trong một tình yêu dành cho âm nhạc. The Beatles trông thật khác biệt, trang phục bảnh bao, mái tóc ngộ nghĩnh, gương mặt lém lỉnh – mọi điều ở họ đều mới lạ, thu hút một cách bẩm sinh. Họ hát She Loves You và khiến cả thế giới rộn ràng như vừa được yêu. I Want To Hold Your Hand rực rỡ đầy sức sống. Phụ nữ phát điên vì họ, gào thét tên từng thành viên mỗi khi The Beatles xuất hiện. Các chàng trai để tóc và ăn mặc giống thần tượng.

Không giống như các nhóm nhạc khác, trước đây và cả sau này, chất lượng âm nhạc thường giảm sút theo thời gian, The Beatles là một trong những trường hợp hiếm hoi album sau hay hơn album trước. Please Please Me rất dễ thương, Help! và Rubber Soul xuất sắc nhưng Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band mới thực là đỉnh cao. Ngay cả những album cuối cùng của The Beatles khi nhóm nhạc trên bờ vực của sự tan rã là Abbey Road và Let It Be cũng thật xuất chúng. Nhạc của The Beatles được nghe ở khắp mọi nơi, nó dễ thuộc và dễ hát theo. Trẻ con cũng nghe được vì nó không có từ nhạy cảm hoặc những nội dung tục tĩu (không thể nói điều tương tự về âm nhạc hiện đại). Thật khó để gặp một người ở thế kỷ này, có truy cập mạng internet lại chưa từng biết đến cái tên The Beatles hoặc nghe ít nhất một bài hát của Fab Four.

Tài năng không bàn cãi

Bốn mẩu của The Beatles đều tài năng và có cá tính riêng. Ringo Starr – thành viên lặng lẽ nhất nhóm – là một tay trống kiệt xuất. Thật khó tưởng tượng Tomorrow Never Knows hay Strawberry Fields Forerver sẽ như thế nào nếu thiếu đi tiếng trống tuyệt vời của Ringo. George Harrison với khả năng chơi guitar tuyệt vời và giọng hát mềm mỏng. Chính George là người chấp bút lên những kiệt tác như While My Guitar Gently Weeps hay Here Comes The Sun. Anh cũng chính là người nghĩ ra ý tưởng sử dụng cây đàn sitar của Ấn Độ trong Norwegian Wood. Và dĩ nhiên nhắc đến The Beatles không thể quên bộ đôi hoàn hảo John Lennon và Paul McCartney. Chưa bao giờ thế giới được chứng kiến hai giọng ca tuyệt đỉnh trong cùng một ban nhạc, và cả sau này cũng vậy. Cả hai đều là những nhà sáng tác nhạc tài hoa. John Lennon cho ra đời những tác phẩm giàu tính triết lý suy tưởng hơn trong khi âm nhạc của Paul McCartney vô cùng quyến rũ và giàu năng lượng. Mỗi người một vẻ nhưng khi cùng hòa giọng hát, họ tạo nên một thứ âm nhạc tuyệt diệu. Hãy thử lắng nghe Because, Sun King và Strawberry Fields Forever để cảm nhận rõ hơn điều này.

Những kẻ tiên phong

The Beatles cũng là những kẻ tiên phong, không ngại thử nghiệm. Họ sẵn sàng vận dụng mọi cơ hội để sáng tạo từ cách chơi guitar ngược, dội âm theo nguyên tắc chai thủy tinh, thu âm băng ngược để có đoạn chơi ngược. Điều này cùng với khả năng hòa âm tuyệt vời của George Martin và những kỹ thuật viên kinh nghiệm của EMI đã tạo ra ấn tượng vô cùng đặc trưng từ Rubber Soul. Họ cũng đưa vào nhiều nhạc cụ chưa từng được sử dụng với nhạc rock trước đó như đàn sitar trong Norwegian Wood và swarmandal trong Strawberry Fields Forever. Họ sử dụng nhiều nhạc cụ điện mới như mellotron hay clavioline trong các nhạc phẩm của mình. Robert Greenfield, cây bút của Rolling Stone đã có lý khi so sánh The Beatles với danh họa Picasso: “những nghệ sĩ dám phá vỡ những những gò bó của thời đại để mang đến thứ gì đó thực sự độc đáo và nguyên bản”.

Vào thập niên 50 và 60, các nghệ sĩ thường sẽ chỉ có một hai bản hit còn toàn bộ album sẽ là một vài ca khúc lấp chỗ trống tệ hại. The Beatles là những người đầu tiên thay đổi  điều đó bằng cách tạo ra những album cũng xuất sắc như những đĩa đơn họ phát hành.  Album có vị trí quan trọng như ngày nay nhờ một phần lớn công của The Beatles.  Bộ tứ cũng chính là những người đặt tiền lệ cho việc tổ chức những buổi biểu diễn hoành tráng ở sân vận động. Buổi biểu diễn tại Shea Stadium năm 1965 của họ thu hút 55.600 khán giả - trở thành buổi biểu diễn ngoài trời lớn nhất trong lịch sử ở thời điểm đó. Không những mở ra làn sóng xâm lăng Anh Quốc tại Mỹ, họ trở thành hiện tượng có sức ảnh hưởng toàn cầu. Cho đến tận bây giờ, rất nhiều nghệ sĩ vẫn thừa nhận sự ảnh hưởng của The Beatles và những ca khúc cover lại các sáng tác của The Beatles vẫn nhận được thứ hạng cao. Thật may là viễn tưởng trong bộ phim Yesterday không bao giờ xảy ra và chúng ta được hít thở trong một thế giới tươi đẹp có những ca khúc của The Beatles.

*Bài viết đăng lần đầu trên tạp chí L'Officiel Vietnam, số tháng 6 năm 2019 với bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội