Bóng Ma Trong Nhà Hát: Sức mê hoặc dài hơn thế kỷ

Từ trang sách của Gaston Leroux đến sân khấu nhạc kịch lộng lẫy, Bóng Ma Trong Nhà Hát không ngừng cuốn hút khán giả suốt hơn một thế kỷ qua. Đằng sau chiếc mặt nạ bí ẩn là một thiên tài bị nguyền rủa, khao khát yêu và được yêu. Câu chuyện đầy bi kịch, âm nhạc mê hồn và những màn trình diễn huyền thoại đã biến “bóng ma” thành biểu tượng bất hủ của nghệ thuật.
“Bóng ma” cũng khao khát được yêu
Lần đầu tiên thế giới biết đến “bóng ma nhà hát” là từ cuốn tiểu thuyết Le Fantôme de l'Opéra của nhà văn người Pháp Gaston Leroux, xuất bản năm 1910. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Gaston Lerroux và là nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh, kịch nghệ và âm nhạc trên khắp thế giới.

Câu chuyện đặt bối cảnh tại Paris, những năm 1880s. Người ta đồn rằng dưới những tầng hầm tối đen của nhà hát opera Paris có một bóng ma lẩn quất, gây ra bao nỗi kinh hoàng. Tuy nhiên, người đời đã lầm: đó không phải một con ma mà là một con người bằng xương bằng thịt. Con người đó sở hữu tài năng âm nhạc hiếm có, óc phát minh, tài kiến trúc bậc thầy và một vốn kiến thức vô cùng uyên bác. Hiềm một nỗi, con người ấy có khuôn mặt biến dạng và một ngoại hình xấu xí đáng ghê tởm, chẳng ai dám lại gần.
“Bóng ma” sống chui lủi và cô đơn nhiều năm như thế cho đến khi gặp Christine, một nữ diễn viên phụ trẻ đẹp và trong sáng. “Bóng ma” dạy Christine hát và dần dần đem lòng yêu nàng. Tình yêu đó biến thành nỗi ám ảnh và khao khát chiếm hữu, khiến “bóng ma” sẵn sàng gây ra bao tội ác để đoạt được người mình yêu…

Ít ai biết rằng có nhiều chi tiết của cuốn tiểu thuyết là có thật ngoài đời. Cái hồ dưới tầng ngầm được Gaston Leroux nhắc đến, vẫn tồn tại đến ngày nay, được lính cứu hỏa sử dụng để tập bơi trong bóng tối. Sự kiện chiếc đèn chùm vĩ đại của nhà hát opera bất ngờ rơi xuống giết chết người cũng là có thực. Trong khi hấp hối, Leroux vẫn khẳng định sự tồn tại của bóng ma. Với Bóng Ma Trong Nhà Hát, lịch sử và huyền thoại hòa trộn vào nhau, khó tách rời càng làm nên sức mê hoặc của câu chuyện này.
Bi kịch của một thiên tài bị nguyền rủa
“Bóng ma” thường được đặt cạnh quái vật của Frankeinstein và bá tước Dracula như những hình tượng kinh dị Gothic nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng khác với hai nhân vật còn lại, “bóng ma” không phải là một thực thể siêu nhiên mà chỉ là một người phàm. “Bóng ma” có những phẩm chất của cả người hùng lẫn kẻ phản diện và là một nhân vật vô cùng phức tạp, khơi dậy nhiều suy nghĩ cho người đọc.

Ở “bóng ma” là sự giằng co quyết liệt của những thái cực trái ngược: thiên tài và kẻ bị nguyền rủa, nạn nhân và kẻ thủ ác, tình yêu và hận thù, ánh sáng và bóng tối… “Bóng ma” yêu Christine nhưng không biết làm thế nào để bày tỏ. Gã khao khát được là một phần của thế giới đã chối bỏ gã. Gã hy vọng Christine mang đến cho gã chút tình yêu thương và gắn kết gã với cái thế giới ngoài kia đó. Khi Christine cự tuyệt và chọn chàng quý tộc trẻ tuổi, “bóng ma” vô cùng đau khổ và giận dữ. Nhưng gã không ghét được Christine và cuối cùng gã thả cho họ ra đi.
Ở phiên bản điện ảnh năm 1925, kết thúc của câu chuyện được thay đổi, “bóng ma” được khắc họa đen tối hơn. Khán giả có rất ít thông cảm cho “bóng ma” mà nhìn gã như một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất trên màn ảnh. Giây phút Chrisine giật mặt nạ của “bóng ma”, rạp chiếu đầy những tiếng thét và người ngất đi vì sợ hãi.
Nhưng ở bản nhạc kịch của Andrew Lloyd Webber, “bóng ma” được khán giả yêu mến và xót thương hơn. Một trong những lý do quan trọng nhất là khán giả được tiếp cận “bóng ma” qua điều đẹp đẽ nhất ở hắn: âm nhạc. Thiếu âm nhạc, “bóng ma” chỉ là một quái vật ghê tởm, một huyền thoại khiến người đời sởn tóc gáy. Nhưng làm sao ghét được “bóng ma” khi đã nghe giai điệu mê hồn của “The Music of the Night”? “Bóng ma” trong vở nhạc kịch cao thượng hơn và khiến người xem thấy bóng dáng của chính mình trong đó. Bởi ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác cô đơn, khao khát tình yêu và cả cảm giác bị chối bỏ là như thế nào.
Huyền thoại của sân khấu nhạc kịch
Bóng Ma Trong Nhà Hát (The Phantom of the Opera) đã giành được hai giải thưởng cao quý nhất đối với thể loại nhạc kịch là giải Olivier năm 1986 và giải Tony năm 1988. Nó cũng là show diễn được trình diễn dài nhất trong lịch sử Broadway (Mỹ) và là vở nhạc kịch được trình diễn dài thứ hai tại West End (Anh).
Với tổng doanh thu bán vé toàn cầu hơn 6 tỷ USD (số liệu 12/2017), Bóng Ma Trong Nhà Hát còn là vở nhạc kịch ăn khách nhất thế giới. Tính đến năm 2019, đã có hơn 140 triệu người trên 41 quốc gia thưởng thức vở diễn này và con số này vẫn tiếp tục tăng thêm, theo từng năm.
Bóng Ma Trong Nhà Hát sinh ra để chuyển thể lên sân khấu nhạc kịch bởi chỉ có thánh đường nghệ thuật này, câu chuyện về "bóng ma" si tình bất hạnh mới có thể tỏa sáng rực rỡ thành một điều kỳ diệu. Sân khấu hoành tráng, chiếc mặt nạ nửa mặt biểu tượng, những trang phục lộng lẫy, sự im lặng nín thở từ khán giả. Tất cả tạo thành một bầu khí quyển thấm đẫm nghệ thuật, khiến khán giả ngây ngất chìm đắm.
Và trên hết, Bóng Ma Trong Nhà Hát có âm nhạc tuyệt vời do Andrew Lloyd Webber biên soạn. Ai mà quên được những giai điệu của “The Phantom of the Opera”, “The Music of the Night” hay “All I Ask of You”? Những cầu thang tối đen, những ngọn nến từ từ nhô lên trên biển sương mù, con thuyền chầm chậm trôi trên dòng sông ngầm. Tiếng hát cao vút, đầy thảng thốt của Christine hòa cùng với giọng hát uy lực đầy mê hoặc của “bóng ma”, giống như con mồi hoảng sợ, yếu đuối nhưng không thể cưỡng lại sức hút của kẻ săn mồi.
Kết thúc vở diễn, pháo hoa phụt sáng, tất cả khán giả từ mọi chỗ ngồi đều đứng dậy, vỗ tay nhiệt liệt. Người nghệ sĩ vươn hai tay lên phía trước, đầu ngẩng cao, cười rạng rỡ và long lanh nước mắt. Âm nhạc dồn dập khiến trái tim cũng cuống quýt đập mạnh, choáng váng ngất ngây. Hơn cả một tác phẩm nghệ thuật, Bóng Ma Trong Nhà Hát đã thực sự trở thành một huyền thoại sống mãi với thời gian.
*Bài viết đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Officiel Vietnam, số tháng 5/2020 với bút danh Anh Trâm. Bài viết đã được tác giả sửa lại một số chi tiết cho phù hợp hơn với hiện tại.