TRỊ LIỆU BẰNG NGHỆ THUẬT

TRỊ LIỆU BẰNG NGHỆ THUẬT
Nghệ thuật là một cách tuyệt vời để giải phóng cảm xúc bị dồn nén. Ảnh minh họa: Internet

Tại sao chúng ta không ngại đổ mồ hôi trên máy tập, ăn uống kiêng khem để có một cơ thể đẹp và khỏe mạnh nhưng lại thường phớt lờ việc chăm lo đến sức khỏe tâm thần?

Tại sao khi bị ốm, chúng ta sẵn sàng đến bệnh viện, nghe lời bác sĩ và chịu khó uống thuốc, nhưng khi gặp những vấn đề như căng thẳng, rối loạn lo âu hay trầm cảm, chúng ta lại không dám chữa trị và rất sợ mọi người biết?

Sức khỏe tâm thần cũng quan trọng và đáng quan tâm, chẳng kém gì sức khỏe thể chất. Mọi cảm xúc của chúng ta đều xứng đáng được bộc lộ, diễn giải, lắng nghe và thấu hiểu. Nghệ thuật từ cả ngàn năm nay đã song hành với loài người, là một cách tuyệt vời để chúng ta thể hiện cảm xúc, suy tưởng của mình, vốn đôi khi khó được thể hiện bằng lời nói.

Nghệ thuật giúp chúng ta có thể chuyển tải năng lượng từ những cuộc chiến nội tâm thành một thứ gì đó hiện hữu bên ngoài. Nó có thể giúp tăng sự tự tin, niềm hy vọng, giảm thiểu sự cô đơn, bồn chồn và sợ hãi. Nó giúp chúng ta làm chủ được những cảm xúc của mình, đồng thời cả sự tự do của việc thả lỏng.

Hãy cùng L’Officiel Vietnam gặp chị Bùi Tuyết Minh và chị Nguyễn Thùy Trang, hai người phụ nữ tiên phong giới thiệu Creative Arts Therapy (Trị liệu Nghệ thuật Tích hợp) tại Việt Nam.

Múa để chữa lành

"Đối tượng mà Múa/Chuyển động Trị liệu đặc biệt hướng đến là nhóm thiệt thòi, dễ bị tổn thương". Ảnh: FBNV

Múa để đẹp, để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể…nhưng bạn có biết múa còn được sử dụng như một phương pháp tâm lý trị liệu? Thạc sĩ Bùi Tuyết Minh, tốt nghiệp chuyên ngành Múa/ Chuyển động Trị liệu tại Sarah Lawerence College và là thành viên của Hiệp Hội Múa Trị Liệu Hoa Kỳ (ADTA.org) sẽ chia sẻ kỹ hơn cho bạn về phương pháp đặc biệt này.

Khái niệm Múa/ Chuyển động Trị liệu vẫn còn quá mới lạ ở Việt Nam. Chị có thể chia sẻ một chút về phương pháp này? Cơ chế chữa lành của Múa/ Chuyển động Trị liệu là như thế nào?

Dựa theo nguyên lý cơ bản rằng Thân-Tâm-Trí là một thể thống nhất, không tách rời, Hiệp hội Múa và Chuyển động Trị liệu Hoa Kỳ định nghĩa Múa và Chuyển động Trị liệu là liệu pháp tâm lý sử dụng chuyển động cơ thể làm trung tâm kết nối cảm xúc-suy tưởng để giúp mỗi cá nhân hàn gắn, kết nối và phát triển toàn diện.

Nói một cách cụ thể hơn là mỗi thay đổi trong từng chuyển động cơ thể tác động trực tiếp đến sự thay đổi về cảm xúc-suy nghĩ và ngược lại, năng lượng, cảm xúc và suy nghĩ phản chiếu trong từng chuyển động cơ thể. Quan sát chuyển động cơ thể dù nhỏ nhất từ ánh mắt, nhịp thở, có thể giải mã những cảm xúc, suy nghĩ vô thức đang bị đè nén, hay ẩn giấu trong cơ thể. Qua đó, nhà trị liệu có thể dùng múa/chuyển động gợi ý hay dẫn dắt để thay đổi tư thế, nhịp điệu, chiều chuyển động, cách tương tác với không gian, thời gian, trọng lượng cơ thể để tác động tích cực và toàn diện thể thống nhất của cơ thể-suy nghĩ-cảm xúc.

Múa và Chuyển động Trị liệu khác gì với các bộ môn múa nghệ thuật khác?

Trước hết, Múa/Chuyển động Trị liệu không phải là bộ môn nghệ thuật. Múa/Chuyển động Trị liệu là ngành nghề chuyên nghiệp tại một số nước châu Á, Châu Âu và tại Mỹ từ năm 1966 với sự thành lập của Hiệp Hội Múa Trị liệu Hoa Kỳ.

Bộ môn múa nghệ thuật có thể học từ bất  cứ ai (nghệ sĩ múa, giáo viên múa, tự học…). Giáo viên dạy múa không đòi hỏi phải có trình độ đào tạo ở bậc Thạc sỹ hay có kiến thức về tâm lý học. Giáo viên dạy múa có mục đích đào tạo rõ ràng để giúp người tham gia đạt những kỹ thuật, động tác múa chuẩn theo yêu cầu của giáo viên. Yếu tố bảo mật thông tin cho học viên không quan trọng.

Trong khi đó, Múa/Chuyển động Trị liệu là chương trình đào tạo khoa học tâm lý trị liệu ở bậc Thạc sỹ trở lên với những nền tảng kiến thức về tâm lý học, cơ thể học, thần kinh học, tâm lý của chuyển động…Nhà trị liệu cần đảm bảo ít nhất 700 giờ thực hành với thân chủ dưới sự giám sát và hỗ trợ của cố vấn. Múa/Chuyển động Trị liệu tập trung vào từng khoảng khắc hiện tại, và lấy quy trình làm trọng tâm thay vì mục đích. Yếu tố bảo mật thông tin cho thân chủ là yếu tố quan trọng hàng đầu, là đạo đức nghề nghiệp.

Đối tượng mà Múa và Chuyển động Trị liệu hướng đến là những ai? Cách chữa lành này đòi hỏi ở người tham gia  những kỹ năng gì?

Đối tượng mà Múa/Chuyển động Trị liệu đặc biệt hướng đến là nhóm thiệt thòi, dễ bị tổn thương như phụ nữ bị bạo hành, trẻ khuyết tật, người già mất trí nhớ, cựu chiến binh, LGBT, người lo âu, trầm cảm, người rối loạn phát triển trí tuệ .... Tuy nhiên cần hiểu rằng sức khỏe tâm thần là nền tảng của sức khỏe thể chất và tâm lý xã hội lành mạnh. Do đó, Múa/Chuyển động Trị liệu có thể dùng như phương pháp phòng ngừa, tự chăm sóc sức khỏe tâm thần để giảm căng thẳng hay phục vụ quá trình tự nhìn nhận và phát triển bản thân. Người tham gia không đòi hỏi kỹ năng gì ngoài nhu cầu và mong muốn được chữa lành, thay đổi và phát triển bản thân.

Người tham gia hoạt động Múa/Chuyển động Trị liệu sẽ được hướng dẫn những hoạt động gì?

Chuyển động là ngôn ngữ phổ quát và phát triển trước ngôn ngữ lời nói. Dù có khác biệt về màu da, sắc tộc, tôn giáo thì loài người đều có chung ngôn ngữ chuyển động khi biểu đạt nhưng ước muốn, những nỗi niềm cung bậc cảm xúc. Múa là ngôn ngữ biểu đạt nguyên sơ và thuần khiết của mọi nền văn hóa, bản địa trên khắp thế giới. Ý nghĩa gốc của múa là để kết nối với tâm linh, với vũ trụ (cầu mưa, cảm tạ đất trời cho mùa màng bội thu, ...) kết nối với cộng động trong những sinh hoạt lao động hàng ngày (đi cấy, lên nương, chèo thuyền, ra khơi...); kết nối với thân mình ( biểu đạt khao khát, ước mơ, tâm tình, trao duyên...)

Trong quá trình trị liệu, nhà trị liệu hỗ trợ thân chủ trở về, kết nối lại với hơi thở, giác quan, và cơ thể để học cách lắng nghe và quan sát sự tương tác giữa cơ thể-cảm xúc-suy nghĩ. Nhà trị liệu không dạy kỹ thuật múa mà sử dụng kho tàng ngôn ngữ chuyển động/múa mà thân chủ biết hay thân thuộc dù chỉ trong tiềm thức để khơi gợi sự chia sẻ, thiết lập mỗi quan hệ, giao tiếp, kết nối và thấu cảm với thân chủ một cách chân thật, tự nhiên và sáng tạo.

Chị có gặp thách thức gì khi giới thiệu phương pháp trị liệu này ở Việt Nam?

Thách thức thì nhiều lắm nhưng tùy tình huống mà lựa. Bản thân mà phải gồng, phải cố là đã thấy cơ vai căng cứng và mệt mỏi nên cứ thấy khó quá là tôi cho qua. Nhưng có những thách thức lại trở thành nội lực và niềm hứng khởi để tôi đi tiếp.

Thực ra, nhu cầu xã hội về chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng cao. Tuy nhiên hiện nay, thân chủ vẫn chủ yếu được chữa trị bằng thuốc tâm thần mà rất ít cơ hội tiếp cận với nhà trị liệu tâm lý có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tâm lý trị liệu được ghi nhận và có mã ngành ở Việt Nam để không chỉ hỗ trợ những nhà chuyên môn mà còn bảo vệ quyền lợi của người tham gia tư vấn trị liệu tâm lý.

Công việc của chị sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều cảm xúc và năng lượng tiêu cực từ những người cần chữa lành. Chị làm thế nào để không bị ảnh hưởng và giữ được sự cân bằng?

Tự chăm sóc bản thân là phần thực hành quan trọng của nhà trị liệu. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể giữ cho cuộc sống cân bằng. Điều quan trọng là những khi mất cân bằng, mình ý thức được điều đó và xác định được giới hạn bản thân. Dành thời gian cho riêng mình để lắng nghe trực giác, cơ thể, thiền, ngâm chân, viết, hát hò, chơi đùa với con, nhảy múa chân đất với thiên nhiên, cây cỏ hàng ngày giúp tôi cân bằng cảm xúc và năng lượng. Ngoài ra, tôi cũng luôn kết nối với nhóm cố vấn và đồng nghiệp trong khu vực châu Á hay hiệp hội Múa Trị liệu Hoa Kỳ để giải tỏa và trao đổi chuyên môn hàng tháng.

Xin cảm ơn chị!

Hàn gắn nhờ hội họa

Tí Toáy Therapy. Ảnh: FBNV

Tôi biết Trang Nart từ 5 năm trước, khi chị mới về Việt Nam, mở xưởng nghệ thuật Tí Toáy dành cho trẻ em. Thú thật, thời điểm đó, cái ý tưởng mở một trung tâm giáo dục nghệ thuật dành cho các em nhỏ, với mục tiêu lan tỏa tinh thần “mơ mộng và bay bổng” nghe rất hay nhưng có vẻ không khả thi. Vì thế tôi vô cùng bất ngờ, khi 5 năm sau, Tí Toáy đã phát triển mạnh mẽ, có trụ sở 5 tầng khang trang trên một trong những con phố sầm uất nhất tại Hà Nội. Chị Trang cũng là một trong những nghệ sĩ tiên phong giới thiệu khái niệm trị liệu nghệ thuật ở Việt Nam.

Ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, khi phần lớn người dân vẫn còn phải vật lộn với cơm áo, gạo tiền thì nghệ thuật đã là xa xỉ, nữa là chuyện trị liệu bằng nghệ thuật. Chị có nghĩ đó là một khái niệm quá mới với người Việt không?

Ở phương Tây, Art Therapy không phải là một cái gì quá mới mẻ nữa mà họ đã áp dụng cả trăm năm nay rồi. Ở Việt Nam thì khái niệm này còn khá xa lạ và cũng nhận được nhiều phản ứng hơi tiêu cực. Có lẽ mọi người dị ứng với từ “trị liệu”, nghĩ rằng mình có bệnh gì hoặc vấn đề gì mới phải đi trị liệu.

Đa phần người Việt vẫn chưa có thói quen để ý và chăm sóc đời sống tâm lý, văn hóa tinh thần. Mọi người thường chạy theo việc kiếm tiền hoặc đạt một thành quả được cả xã hội công nhận. Văn hóa Việt cũng ít bộc lộ cảm xúc, thường nghĩ gì sẽ không nói ngay mà giữ lại trong lòng. Lâu dần, cảm xúc ấy bị lãng quên để rồi đến một ngày bộc phát thành những phản ứng rất không tốt.

Tôi và Tí Toáy muốn đưa Art Therapy đến gần với mọi người hơn bằng cách cung cấp một cách thức để mọi người có thể bộc lộ suy nghĩ của mình và cân bằng cuộc sống hiện tại.

Chị có thể chia sẻ thêm về các hình thức trị liệu nghệ thuật được triển khai ở Tí Toáy?

Trong 2 năm gần đây, chúng tôi đã triển khai Art Therapy lên nhiều đối tượng khác nhau. Người già có khóa học Vẽ Ký Ức, có lồng ghép một số yếu tố trị liệu nhưng không quá nhiều bởi đa phần các bác vẫn muốn có bức tranh đẹp mang về.

Chúng tôi thường tổ chức các workshop để mọi người có thể dễ dàng đăng ký. Đối tượng chúng tôi hướng đến là những người trưởng thành: các mẹ bầu, sau sinh, người đi làm… Art Therapy ở Việt Nam vẫn là một khái niệm quá mới, chúng tôi không muốn làm cho nó quá hàn lâm, nên mới dừng ở mức giới thiệu. Thực ra chúng tôi đã từng làm thành một khóa học và đã chạy thử rồi nhưng cảm giác chưa phải là thời điểm thích hợp.

Đặc biệt chúng tôi đang tập trung vào các workshop dành cho giáo viên, là đối tượng rất gần với lĩnh vực của mình. Chúng tôi nghĩ đời sống tinh thần của giáo viên cần được quan tâm nhiều hơn nếu muốn có một nền giáo dục tốt hơn. Chúng tôi đã chạy thử một workshop đầu năm nay, ngay trước dịch Covid-19. Sắp tới, Tí Toáy sẽ tổ chức thêm nhiều workshop nữa cho các giáo viên.

Workshop Art Therapy sẽ khác gì với workshop hội họa thông thường?

Workshop Therapy không chú trọng về mặt kỹ thuật, không quan trọng hôm nay mình học được kỹ thuật gì, kết quả đạt được hôm nay là gì. Nó chú trọng quá trình bạn làm cái đấy như thế nào, cũng như là cảm xúc của bạn ra sao. Nó không đòi hỏi kỹ năng gì ở học viên.

Trong các workshop, chúng tôi thường sử dụng những vật liệu đơn giản như giấy, đất nặn, bút sáp, bút chì màu…Các hình thức thể hiện cũng rất đơn giản như xé giấy, nặn, vẽ…Tôi cũng có hướng dẫn qua cho người tham gia một số kỹ thuật hay kiến thức cơ bản tuy nhiên không quá nặng nề để ai cũng có thể làm được. Mục tiêu chúng tôi đề ra là các bạn có thể thực hành các hình thức này ngay tại nhà như một cách để bộc lộ cảm xúc và cân bằng cuộc sống.

Theo chị, tại sao việc thực hành nghệ thuật thị giác lại tốt cho sức khỏe tâm thần?

Nghệ thuật có vô vàn công cụ để biểu đạt. Ví dụ khi bạn tức giận mà bạn có một viên đất nặn trong tay để thả sức cấu xé, vặn vẹo, những suy nghĩ tiêu cực của bạn sẽ được chuyển đổi thông qua đôi bàn tay để đi vào đất nặn. Nó sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lý qua ngôn ngữ và chất liệu nghệ thuật.

Khi còn nhỏ, đi học, ai cũng có một quyển sổ nháp. Khi gặp một phép tính khó, không làm được, trẻ con thường cầm bút viết linh tinh vào cuốn sổ ấy. Đó có thể chỉ là những đường thẳng hoặc vòng tròn vô định, nhưng giúp trẻ giải tỏa cơn tức giận hoặc bất lực. Sau này khi tôi nghiên cứu về các nghệ sĩ thì thấy các tác phẩm của họ đều có những xuất phát điểm tương tự như cách trẻ con làm khi giải tỏa những cơn giận hờn, cáu bẳn.

Nói chung, về tâm lý rất khó để có kết quả ngay lập tức, bởi nó là một hành trình dài, cần sự tác động của nhiều thứ xung quanh. Tâm lý chỉ cần thay đổi một chút thôi là thành công lắm rồi. Các khóa học Art Therapy giúp người tham gia có cơ hội biểu đạt, giãi bày cảm xúc của mình. Đó cũng là cách tự phong tránh, cân bằng cuộc sống hàng ngày.

Là một nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật hàng ngày và thậm chí còn tiên phong trong việc giới thiệu Art Therapy tại Việt Nam, chị có bao giờ gặp phải các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm không?

Có những stress mình gặp phải mà trước đó mình không nghĩ nó sẽ đến với mình. Bản thân tôi khi dạy khóa học cho các mẹ bầu và sau sinh cũng là lúc tôi đang mang bầu bé thứ hai. Lần sinh nở đầu tiên của tôi khá thuận lợi và nuôi con cũng rất dễ dàng vì thế tôi nghĩ lần thứ hai chắc cũng như vậy. Bản thân tôi có nghiên cứu về trầm cảm sau sinh nhưng nghĩ mình rất khó mắc phải. Nhưng bé thứ hai thì khác hẳn. Có những quãng thời gian, tôi cũng bị baby blue, chưa hẳn là trầm cảm, nhưng tâm trạng cũng bị ảnh hưởng. Rất may là mình có kiến thức về chuyện đó rồi, nên vẫn phân tích lý trí và vượt qua được.  Nói chung, vấn đề tâm lý rất vô hình, không ai nói chắc được. Mình cứ nghĩ nó không bao giờ xảy ra với mình nhưng có khi mình bị rồi mà mình không biết ấy chứ!

Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị!

*Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí L'Officiel Vietnam số tháng 7/2020 với bút danh Anh Trâm.

Anh Trâm

Anh Trâm

Hà Nội